Trung Quốc – ‘Gã khổng lồ’ sản xuất và tiêu thụ thủy sản
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một cường quốc về sản xuất thủy sản. Báo Nông nghiệp Việt Nam có loạt bài phân tích về thị trường thủy sản giàu tiềm năng này.
Nuôi trồng lên ngôi
Theo Báo cáo sản phẩm thủy sản Trung Quốc năm 2022 của chuyên viên phụ trách Trung Quốc, Cục Nông nghiệp đối ngoại (FAS), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới trong năm 2022, với sản lượng ước đạt 67,5 triệu tấn, tăng hơn so với 66,9 triệu tấn năm 2021 và 65,49 triệu tấn năm 2020.
Sản lượng thủy sản của Trung Quốc tăng nhờ vào sự tăng trưởng trong sản lượng nuôi trồng, đạt 54,6 triệu tấn trong năm 2022, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, sản lượng thủy sản khai thác giảm nhẹ, chỉ đạt 12,9 triệu tấn so với 13 triệu tấn năm 2021 do nguồn tài nguyên ít hơn và hạn chế lớn hơn ở cả vùng biển trong nước và quốc tế.
Sự tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc là do hiệu quả sản xuất tăng lên thông qua thâm canh hóa, công nghiệp hóa và tăng nhu cầu đối với thủy sản chế biến sẵn trong lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực dịch vụ thực phẩm nhà hàng và tổ chức (HRI).
Nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục là lĩnh vực quan trọng để Trung Quốc tăng nguồn cung thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 1,1% hàng năm từ năm 2022 – 2031 với tổng sản lượng đạt 71,3 triệu tấn.
Mặc dù Trung Quốc bước vào năm 2023 với nền kinh tế suy yếu, nhưng ngành thủy sản nước này vẫn kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng thủy sản vẫn sẽ tăng đáng kể trong năm 2023 khi các hoạt động, gồm du lịch, các sự kiện lớn, các cuộc gặp gỡ, tụ họp đã bị hạn chế trong năm 2021, 2022 đang dần quay trở lại bình thường.
“Cường quốc” nhập khẩu
Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng tăng mạnh trong năm 2022, với khối lượng đạt 4,1 triệu tấn, trị giá 18,7 tỉ USD; tăng 22% về khối lượng và 35% về giá trị so với năm 2021. Dù vẫn chưa đạt mức kỷ lục nhập khẩu 4,4 triệu tấn năm 2019, nhưng mức tăng trong năm 2022 đã đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ mức nhập khẩu tương đối thấp là 3,4 triệu tấn năm 2021.
Sự gia tăng này do nhiều yếu tố, như: Nhu cầu tiêu thụ tăng lên đối với thủy sản chế biến sẵn, các sản phẩm thủy sản cao cấp; khó khăn trong việc buôn bán thủy sản sống do các hạn chế về Covid-19; doanh số bán hàng trực tuyến tăng lên; đồng thời giá thịt lợn cao hơn trong nửa cuối năm 2022 khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang thủy sản…
Nga vẫn là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất của Trung Quốc tính theo khối lượng với gần 1 triệu tấn, tiếp theo là Ecuador với 0,6 triệu tấn, Việt Nam 0,5 triệu tấn, Ấn Độ 0,3 triệu tấn và Mỹ gần 0,3 triệu tấn.
Đồng thời, Trung Quốc cũng là một nhà xuất khẩu thủy sản lớn. Xuất khẩu thủy sản của nước này năm 2022 ổn định ở mức 3,5 triệu tấn, tăng nhẹ 4% so với năm 2021. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu vẫn thấp hơn đáng kể so với năm 2019, năm cuối cùng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chế biến và duy trì thị trường xuất khẩu đa dạng. Trong năm 2022, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Trung Quốc, theo sau là Mỹ và Thái Lan.
Tháng 12/2022, Trung Quốc đã dừng hầu hết các hạn chế được áp dụng theo chính sách “Zero Covid”, gồm cả việc thử nghiệm và khử trùng các sản phẩm trong dây chuyền lạnh nhập khẩu. Điều này dự kiến sẽ giảm bớt gánh nặng và chi phí trong ngành thủy sản.
Cải thiện nhu cầu với thủy sản đông lạnh, chế biến
Báo cáo sản phẩm thủy sản Trung Quốc năm 2022 cũng cho biết, nước này đang dẫn đầu thế giới về tiêu thụ thủy sản và người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, giá trị gia tăng.
Năm 2021, mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người của người dân thành thị ở nước này là 16,7 kg/người/năm và của người dân ở khu vực nông thôn là 10,9 kg/người/năm. Mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản cao nhất ở các vùng ven biển, nơi các sản phẩm thủy sản được xem như nguồn protein truyền thống và dân số có mức thu nhập khả dụng tương đối cao.
Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng thủy sản tươi sống hơn là đông lạnh hoặc chế biến vì lượng tiêu thụ nội địa đối với các sản phẩm thủy sản chế biến còn rất nhỏ so với lượng tiêu thụ thủy sản nói chung. Tuy nhiên gần đây nhu cầu tiêu thụ thủy sản đông lạnh , chế biến đang tăng lên đều đặn do những cải tiến trong chế biến, phân phối và hệ thống dây chuyền lạnh; sự phổ biến ngày càng tăng của các siêu thị cao cấp; sự quan tâm của người tiêu dùng đối với chế độ ăn uống đa dạng và bổ dưỡng hơn…
Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản Trung Quốc cho biết, nhận thức ngày càng tăng về các rủi ro an toàn thực phẩm tiềm ẩn liên quan đến thủy sản sống đang khiến một số người tiêu dùng chuyển hướng sang các sản phẩm thủy sản đông lạnh và chế biến khác.
Bùng nổ thương mại điện tử
Thương mại điện tử bùng nổ cũng đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ thủy sản tại thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm thủy sản phổ biến nhất cho thương mại điện tử là tôm tươi và đông lạnh; các sản phẩm thủy sản ăn liền; các sản phẩm cá tươi và đông lạnh.
Các chuyên gia thủy sản Trung Quốc cho rằng, Covid-19 và các biện pháp kiểm soát liên quan đã thúc đẩy sự thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng Trung Quốc, chuyển từ mua thủy sản tươi sống ở chợ truyền thống sang mua đồ tươi và đông lạnh từ các kênh thương mại điện tử nhằm hạn chế tiếp xúc với người khác. Dự báo, phần lớn nhu cầu này sẽ vẫn duy trì sau khi Covid-19 kết thúc vì người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi có thu nhập khả dụng thích sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian bằng cách đặt hàng trực tuyến.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và sự cải thiện của sức mua quốc gia, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, không ô nhiễm và chất lượng cao. Xét về mức độ phổ biến, sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc là tôm, cá chim và mực.
“Việc người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm thủy sản chất lượng cao và tốt cho sức khỏe cũng được phản ánh trong các sản phẩm cao cấp như tôm hùm, cá hồi, cua huỳnh đế, bào ngư và sò điệp. Những sản phẩm chất lượng cao ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với người tiêu dùng trung lưu – đây là tầng lớn chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở Trung Quốc và sự bổ sung của các kênh thương mại điện tử đã làm tăng đáng kể sự tiện lợi khi mua hàng của người tiêu dùng”, ông Hòe nói.
Ông Hòe nhấn mạnh: “Xác định rõ xu hướng tiêu dùng Trung Quốc và cũng là xu hướng tiêu dùng thế giới, các doanh nghiệp thủy sản đã dần nhận ra và chủ động hơn trong việc xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản đến các thị trường, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết: “Là một trong những quốc gia tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, tuy nhiên Trung Quốc cũng là một cường quốc về sản xuất thủy sản, theo thống kê hiện nay Trung Quốc có hơn 9.000 cơ sở chế biến thủy sản với tổng công suất đạt gần 29 triệu tấn/năm”.