Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho lòng hồ thủy điện Cần Đơn nhiều cảnh đẹp hoang sơ, độc đáo. Kết hợp nuôi thủy sản và làm du lịch đang là hướng đi triển vọng.
Ngư phủ làm du lịch
Trong cơn mưa lất phất tháng 7 làm dịu bớt cái nắng mùa hè như đổ lửa ở miền biên giới Bình Phước , lòng hồ Cần Đơn hiện ra như một dải lụa xanh mát dịu dàng. Từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ mở rộng ra ngút ngàn. Những hòn đảo to, nhỏ được bao bọc bởi rừng bán ngập nằm yên bình giữa lòng hồ. Phía xa xa, làng bè Phước Minh hiện lên bình dị và mộc mạc giữa đại ngàn.
Ngồi trên nhà hàng nổi dập dềnh theo con nước, ông Nguyễn Hữu Sướng (tên thường gọi ba Sướng) cặm cụi ghi chú những đơn đặt hàng của khách cũng như liệt kê số lượng các loại cá cần lấy từ hơn 20 hộ liên kết trong vùng.
Ông ba Sướng cho biết, năm 2004, khi hồ thủy điện Cần Đơn vừa đóng đập cũng là lúc ông cùng vợ, con từ La Ngà (Đồng Nai) về định cư tại đây. Ngày đó, dân chài còn ít, ngoài giăng lưới đánh bắt cá, tép để phục vụ gia đình, người dân nơi đây còn biết đóng bè để nuôi cá và làm chả mang ra chợ bán tăng thu nhập.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường khiến việc nuôi cá khó khăn, chưa kể vì hám lợi, không ít người bất chấp quy định pháp luật, sử dụng ngư cụ cấm để tận diệt thủy sản, khiến nguồn tài nguyên trong tự nhiên ngày càng ít đi.
Nhưng sự khắc nghiệt đó, không làm nản lòng những người gắn bó với nghề sông nước. Trong cái khó ló cái khôn, nhiều năm sống trên hồ, hơn ai hết ông ba Sướng biết được hầu hết các loại hải sản nơi đây, trong đó, nhiều loài đặc sản trứ danh như cá lăng, cá bống tượng, cá chình sông… cùng với những cảnh đẹp non nước hữu tình thôi thúc ông gom hết vốn liếng để lập nhà hàng phát triển du lịch.
Theo ông ba Sướng, những ngày đầu làm dịch vụ, nhà hàng chủ yếu phục vụ các món đơn giản được khai thác tại hồ như tép chiên bột, tép xào xúc bánh đa, lẩu cá lăng, chẳng có thực đơn cũng không niêm yết giá.
Nhờ thực phẩm tươi sống, cùng bàn tay khéo léo chế biến ngon, sạch sẽ, trình bày bắt mắt, giá cả hợp lý đã thu hút du khách. Thấy tiềm năng, ông dần mở rộng nhà hàng, biến tấu ra hàng chục món. Thế rồi, những đoàn khách cứ rỉ tai nhau và tìm đến nhà hàng ông ba Sướng ngày càng đông hơn.
Trong thời gian chờ đợi làm món ăn, ông ba Sướng còn tổ chức lái thuyền đưa họ đi thăm thú cảnh đẹp theo yêu cầu. Lâu dần, những tour du lịch như thế nghiễm nhiên trở thành dịch vụ hút khách của nhà hàng.
“Du khách đến đây thường tận hưởng những món đặc sản đánh bắt tự nhiên như cá lăng đuôi đỏ, cá chình, cá bống hay tôm, tép và được chế biến theo yêu cầu. Hiện mỗi tháng nhà hàng đón tiếp nhiều đoàn khách đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình”, ông ba Sướng phấn khởi nói.
Cùng nhau làm giàu
Khi nhà hàng hoạt động ngày càng hiệu quả, nhu cầu thủy sản cung cấp cho khách du lịch ngày càng nhiều. Để chủ động nguồn nguyên liệu, bên cạnh duy trì 2 bè nuôi cá lăng theo hình thức thuận thiên, ông ba Sướng còn liên kết với hơn 20 hộ trong khu vực để thu mua cá tươi được nuôi trồng cũng như các loại cá được ngư dân đánh bắt bằng phương pháp thủ công trong lòng hồ, giúp bà con ổn định sinh kế.
Đặc biệt, vào những tháng mùa khô, việc đánh bắt, nuôi trồng khó khăn, ông cũng không ngần ngại dang tay giúp đỡ. Nhắc đến ông Nguyễn Hữu Sướng, hầu như người dân trong vùng ai cũng biết và gọi bằng tên thân mật chú ba Sướng (bí danh của ông).
Là một trong những hộ đầu tiên bắt tay liên kết cung ứng cá cho nhà bè ông ba Sướng, anh Huỳnh Văn Lợi cho biết, gia đình anh sở hữu 4 bè chuyên nuôi cá lăng. Thời gian rảnh rỗi anh còn đi đặt lưới, thả câu để bắt cá trong lòng hồ, đêm nào thuận lợi có thể bắt được hơn 40 kg cá các loại, cá tạp để nuôi cá lăng, cá giá trị thì đem bán, bình quân thu nhập 400.000 đồng/đêm. Riêng 4 bè cá, sau 2 năm thu hoạch cũng đem về gần 200 triệu đồng, xem như của để dành.
“Trước kia, khi chưa liên kết, tôi thường đem cá ra chợ bán và rất hay bị kỳ kèo giá, vì không bán cho chợ thì đem về ăn cũng không hết. Từ khi được chú ba Sướng giúp đỡ, bao nhiêu cá đều được chú thu mua hết với giá cao hơn thị trường, đơn cử cá lăng nếu bán ngoài chợ chỉ được 150.000-180.000 đồng/kg thì chú mua với giá 300.000 đồng/kg, nhờ giá cao, cuộc sống gia đình tôi cũng thay đổi”, anh Lợi chia sẻ.
Ông Đỗ Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, do có không gian mát mẻ, thực phẩm tự nhiên, giá rẻ nên ngày càng có nhiều người lựa chọn làng bè làm nơi vui chơi, giải trí cuối tuần hoặc các ngày lễ, tết.
Ngoài nhà hàng do ông ba Sướng làm chủ, tiên phong trong lĩnh vực này, còn 7 nhà hàng khác cũng đang hoạt động như nhà hàng của ông Sơn Nhung, ông Bảy Tiên… Mỗi người có một lối đi riêng nhưng điểm chung là họ đã có hướng phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với xu hướng chung của xã hội và ít rủi ro.
“Sự phát triển của các nhà bè trên hồ thủy lợi Cần Đơn cho thấy tiềm năng du lịch kết hợp thủy sản của xã rất lớn. Trước mắt, chính quyền sẽ tạo điều kiện để các nhà bè hoạt động kinh doanh, có chính sách ưu đãi vốn để ngày càng mở rộng. Tin rằng, với sự đồng thuận của chính quyền, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp thời gian tới, xã Phước Minh sẽ có sức bật để phát triển mọi mặt”, ông Đỗ Tấn Tài nhấn mạnh.