‘Lá chắn mềm’ trên vùng biển Tây Nam bộ
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh kéo lưới đôi ngoài khơi của những con tàu đánh bắt xa bờ trên Vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia vùng biển Tây Nam bộ.
Ông Trần Văn Trí, quê Kiên Giang, 62 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm đi khơi, đi lộng. Người ông Trí nhỏ thó, rắn đanh. Điếu thuốc ông vừa châm chưa kịp đưa lên miệng đã bị gió biển thốc ngược. Những ngư dân đánh bắt xa bờ như ông Trí, nhiều năm ra đầu sóng, lấy tàu là nhà, biển là quê hương.
Kéo lưới giữa trùng khơi
Chính ngọ ngày 18/9. Mặt trời đứng bóng. Nắng biển là thứ bỏng rát, cùng với gió ướp vị mặn táp vào da thịt khiến những ngư dân càng bắt nắng nhanh hơn. Ai nấy ở trần, lộ ra làn da đỏ au như đồng. Bỏ chậu cá chuẩn bị cho bữa trưa đang làm dở phía sau tàu, ông Trí cùng chục thuyền viên tàu cá KG-94019-TS (biển hiệu tàu cá tỉnh Kiên Giang) tụm lại giữa khoang, quây quanh máy tời để chuẩn bị kéo lưới.
Đây là mẻ lưới được thả từ tờ mờ sáng trên ngư trường vùng lộng, đến giờ đã được hơn 5 giờ đồng hồ. Qua bộ đàm, tài công Nguyễn Luân Trường (SN 1990) nói như hét để át đi tiếng gió biển và tín hiệu đàm rèn rẹt, chỉ đạo chiếc tàu “đực” cách đó chừng nửa hải lý chuẩn bị kéo lưới. Theo hiệu lệnh, chiếc tàu “đực” chuyển hướng, nhằm phía con tàu “cái” hướng tới khép lưới thành một vòng tròn. Máy chạy tời bắt đầu hoạt động. Những sợi chão to cỡ cổ tay bắt đầu được cuốn lên, chậm rãi, nhịp nhàng, kèm theo những tiếng kèn kẹt vì dây chão cọ vào thanh cuốn. Lưới vây mỗi lúc được kéo lên cao, con tàu thêm nặng nề như người đàn bà trở dạ.
“Trước kia, khi chưa có máy phải tời tay, phạm vi thả lưới vì thế cũng hẹp hơn cho vừa sức. Cả chục người cùng xúm lại, hợp sức kéo. Nay có máy, đỡ nhiều nhưng vẫn vất vả lắm”, ông Trí là người hay chuyện, vừa nói vừa châm điếu thuốc đưa cho tôi, ngụ ý mời. Trước sự chân tình của ông già miền Tây hiếu khách, tôi đón lấy rồi di chuyển ra xa khu vực đang tời lưới để không làm vướng chân các ngư phủ. Mọi người đều đã quá quen, mỗi người lo phần việc của mình. Những mảng lưới ngâm mình dưới biển từ sáng sớm đã uống no nước, từ từ được nâng lên khỏi mặt biển. Những mắt lưới ướt sũng càng khiến công việc trở nên nặng nề.
Một mẻ lưới thả 6 tiếng rồi mới bắt đầu thu. Tàu “cái” là tàu chính, lưới kéo lên sẽ đổ lên khoang để nhặt, phân loại nhặt cá, sau đó cho xuống các hầm đã chất sẵn đá lạnh để bảo quản. Tàu “đực” tiếp tục làm nhiệm vụ thả mẻ lưới tiếp theo trong lúc trên tàu “cái” đám người đang nhặt cá. Mỗi ngày, các cặp tàu đôi thả được hai mẻ, và song hành cùng nhau trên biển như cặp vợ chồng, rất dễ phân biệt với những con tàu lưới cào đơn lầm lũi một mình, phía trước mũi tàu có hai cái “càng” dạng ra, nhìn tựa như cặp sừng của một loài cánh cứng đang lang thang trên biển…
Khoảng gần một giờ đồng hồ, việc kéo lưới hoàn tất, đống lưới mỗi lúc một dày. Khi hai con tàu đã chạm thành, một bọc nặng trĩu được nhấc dứt khoát lên khỏi mặt nước. Đám thuyền viên xúm xít kéo nó vào khoang, rồi khéo léo đổ ụp tất cả lên mặt boong. Những chiếc khay nhựa đã chuẩn bị sẵn, xếp thành hàng dài chờ đựng cá. Thuyền viên người cầm vòi xịt, người chuẩn bị cào tay, người dùng tay loại bỏ những bùn đất thải loại ra khỏi mẻ lưới vừa kéo… Mọi việc khẩn trương, nhịp nhàng, mau mải, ai lo phần việc của người nấy. Bên ngoài, xung quanh khu vực đang kéo lưới, lũ chim biển đánh hơi thấy mùi cá đã gọi nhau kéo tới, chao liệng bên trên.
Mẻ lưới trưa của tàu cá do tài công Nguyễn Luân Trường điều khiển thu được chừng 3 tạ cá, gồm nhiều loại khác nhau: mực, cá căng, các loại cá nhỏ ăn nổi… Những mẻ bội thu, ngoài việc kéo được các loại cá có giá trị như cá bớp, cá thu, cá ngừ…, có những mẻ thu được 6, 7 tạ hay lên đến cả tấn, nếu trúng luồng cá.
“Chi phí đi biển mỗi ngày một tăng bởi dầu lên giá. Ngư dân trông đợi cả vào biển. Hầu hết chúng tôi là người đi làm thuê, không có lương mà hưởng theo tỷ lệ ăn chia 70-30 (chủ tàu 7 phần, thuyền viên 3 phần sau khi đã trừ chi phí), tiếp đến mới chia theo tỷ lệ trách nhiệm của tài công (thuyền trưởng), tài cãi (phụ trách máy), sau cùng là công nhân đi làm mướn”, tài công Trường giải thích. Đây cũng là “quy ước” của tất cả các tàu cá đang đi khơi, đi lộng… Chủ tàu ở trên đất liền, điều hành từ xa qua bộ đàm và thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu cá. Có những chủ tàu vốn lớn sở hữu vài ba cặp tàu lưới đôi, thuê nhân công đánh bắt và chia chác cũng với hình thức trên.
Cả chục con người quây quanh mẻ lưới. Cá tươi nhảy tanh tách khiến nước biển bắn tung tóe. Đây là những lúc bận rộn nhất của những người đi đánh cá biển, triền miên, xa xứ. Để lại gia đình, vợ con ở đất liền, những người đàn ông làm chủ gia đình đi mưu sinh. Mùi vị của lòng biển theo mẻ cá vừa kéo lên, là thứ thu hút những loài chim biển đang chao liệng bên trên, chờ đợi kiếm ăn bằng cách nhặt nhạnh những con cá vụn sót lại, lát nữa sẽ theo nước rửa sàn, xối xuống biển.
Những người bám biển
Nguyễn Văn Mười Hai, tài công tàu cá tôi gặp ngày hôm trước, trên chặng đường từ tàu KN-506 về lại tàu cá của mình chia sẻ câu chuyện gia đình. Mười Hai có 3 con, đứa lớn 8 tuổi, bé út chưa thôi nôi. Hỏi, vợ làm gì, Mười Hai cười, thật thà: “Vợ ở nhà làm vợ thôi”. Rồi, như sợ tôi chưa hiểu hết câu trả lời, Hai giải thích: “Vợ em ở nhà chăm mấy sắp nhỏ, rảnh rỗi đi làm nail dạo kiếm thêm thu nhập”. Rồi, giọng người tài công hơi chùng xuống: “Tiền chủ tàu ứng ra 500 triệu, anh em thợ thuyền xin ứng trước, người 10 triệu, người 20 triệu… Hy vọng chuyến ra khơi này trúng cá để có tiền chia, chứ không em cũng lo, nên phải ráng”.
Chuyến xa khơi của Mười Hai mới được non hai tháng. Cuối năm nay, khi chạm chân về đất liền, có lẽ đứa con bé bỏng của Hai đã biết chạy lon ton ra đón cha…
Tài công Mười Hai mời tôi lên thăm “ngôi nhà” của mình đang neo giữa biển, bốn bề sóng vỗ ì oạp. Tàu cá của Hai có chiều dài 24m, nằm trong tiêu chuẩn được đánh bắt ở vùng khơi. Những tàu nhỏ hơn chỉ được đánh bắt ở vùng lộng, nhỏ hơn nữa sẽ chỉ được khai thác vùng biển gần bờ. Vi phạm quy định này, tàu cá sẽ bị xử lý, và đây cũng là một trong số những tiêu chí để gỡ “thẻ vàng” IUU.
Tàu cá của Mười Hai phân thành 3 khu vực: phần diện tích rộng nhất của boong bố trí các hầm bảo quản cá đánh bắt được đánh số từ 1 đến 8. Những khoang lạnh này giúp giữ cá tươi, và để được nhiều ngày cho đến khi có tàu thu mua đến lấy hàng. Khoang cabin (khoang lái) dành cho tài công. Tài cãi (trưởng buồng máy) ăn ngủ dưới khoang tàu. Phần trên cùng của tàu, phía trên nóc cabin là nơi ăn ngủ của thuyền viên, có chiều cao chưa đầy một mét, thiếu ánh sáng, mắc đủ 5-6 chiếc võng dù. Sự chật hẹp ấy khiến người ở bên trong chỉ có thể lom khom mà không bao giờ đứng được thẳng.
Đi miết như này, tóc tai anh em tự cắt cho nhau. Một bộ hớt tóc gồm tông-đơ, kéo…, người nọ cắt cho người kia. Tắm rửa bằng nước biển, sau đó tráng nước ngọt, vì phải chắt chiu, dè sẻn nguồn nước quý giá này. Hết lương thực, thực phẩm sẽ chuyển từ đất liền ra tiếp tế.
Biển khơi, nó là nơi đang giữ trong lòng nhiều bí ẩn, trong đó có niềm hy vọng của những người đánh cá, và sự mong chờ của những ánh mắt trong đất liền.
“Vùng biển Tây Nam bộ là một phần của vịnh Thái Lan có nhiều nhánh sông từ lục địa chảy ra biển, kết hợp với dòng hải lưu tự nhiên từ biển Đông tạo thành dòng chảy có chiều ngược chiều kim đồng hồ (ngoại trừ vùng ven bờ Cà Mau – Kiên Giang). Sự cấu tạo nền đáy, thủy triều và dòng hải lưu tạo ra những vùng nước trồi, nước chìm hình thành ngư trường tự nhiên trong khu vực Tây Nam bộ”, thuyền trưởng tàu KN- 506 Nguyễn Văn Đức nói về vùng biển mà anh cùng các đồng đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ.