Có rất nhiều bộ tiêu chí mà các tổ chức cũng như thị trường nhập khẩu thủy sản áp dụng, vừa để bảo vệ rùa và thú biển, vừa nhằm mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.
Hoạt động bảo tồn rùa và thú biển tại Việt Nam những năm qua đã được chú trọng với nhiều chương trình, dự án, kế hoạch hành động. Bên cạnh mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, việc Việt Nam tiến tới thực hiện các biện pháp quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng lực quản lý nghề cá cũng là nhằm thúc đẩy thương mại thủy sản bền vững, duy trì các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1176/QĐ-TTg ngày 12/9/2019 là một cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025 tại Quyết định số 811/ QĐ-BNN-TCTS ngày 14/3/2016.
Đến nay, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến bảo tồn rùa và thú biển tại Việt Nam, nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, tổ chức quốc tế và tiếp tục tích cực tham gia đối thoại song phương, đa phương, đảm bảo cập nhật kịp thời xu hướng và yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học biển trên toàn thế giới.
Bảo tồn rùa biển đáp ứng yêu cầu của WCPFC trong khai thác thủy sản
Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) được thành lập tháng 6/2004. Tính đến tháng 2/2020, Ủy ban có 26 thành viên chính thức, 11 vùng lãnh thổ có sự tham gia và 8 quốc gia không phải là thành viên nhưng có hợp tác, bao gồm Việt Nam.
Biện pháp bảo tồn và quản lý rùa biển (CMM 2018-04) là biện pháp mới nhất được WCPFC triển khai nhằm giải quyết tác động của hoạt động khai thác hải sản đối với rùa biển và được xây dựng phù hợp với Bộ hướng dẫn của Tổ chức Lương thực – Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để giảm tỷ lệ tử vong của rùa biển trong các hoạt động đánh bắt hải sản và để đảm bảo xử lý an toàn tất cả rùa biển bị đánh bắt không chủ ý, nhằm nâng cao khả năng sống sót của rùa biển. Đây cũng là một trong những kết quả sau Hội nghị thường niên lần thứ 15 của WCPFC, kế thừa thành công của các hoạt động trước.
Biện pháp này nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác không chủ ý rùa biển, đồng thời khuyến khích bảo tồn và quản lý bền vững rùa biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, CMM 2018-04 kêu gọi hành động có tính liên kết cao giữa các tổ chức quốc tế và chính phủ nhằm tuyên truyền, hỗ trợ, tập huấn cho ngư dân bảo vệ rùa biển.
Ví dụ, nếu rùa biển bị mắc vào ngư cụ như lưới, các thuyền viên sẽ phải ngừng thu lưới sớm nhất có thể. Họ cần được trang bị kỹ năng và vật dụng để cứu hộ, phục hồi sức khỏe, tái thả rùa biển an toàn. Ngư dân có trách nhiệm ghi nhận và báo cáo tất cả các trường hợp bắt gặp rùa biển trong quá trình khai thác hải sản.
Nhằm đảm bảo trách nhiệm thực hiện cam kết với vai trò nước không phải thành viên nhưng có hợp tác, Bộ NN-PTNT đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của WCPFC. Ngoài việc thực hiện Chương trình Bảo tồn các loại rùa nguy cấp của Việt Nam, Bộ đã xây dựng dự thảo Quy trình cứu hộ rùa biển và sẽ ban hành để áp dụng trong thực tế cứu hộ rùa biển tại các địa phương trong cả nước. Các hoạt động có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, cứu hộ động vật, cộng đồng ngư dân và tổ chức quốc tế.
Trong đó, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT) đã triển khai nghiên cứu đặc tính sinh học của rùa biển, từ đó ứng dụng hiệu quả các biện pháp bảo vệ, bảo tồn như giải pháp thoát rùa để lắp trên lưới kéo (giã cào). Đồng thời tiến hành đánh giá tác động của nghề khai thủy sản xa bờ đến quần thể rùa biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh các dự án tại địa phương với sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước như TRAFFIC, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), Tổ chức Quyền động vật (HSI), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV)… Qua đó, các chương trình thiết thực đã giúp nâng cao nhận thức của ngư dân, cộng đồng dân cư, sinh viên và học sinh phổ thông.
Nhờ sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và cộng đồng, công tác bảo vệ, bảo tồn, cứu hộ và tái thả rùa biển trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngoài các hội thảo chuyên sâu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và xã hội, hoạt động nghiên cứu, giám sát, tập huấn đã giúp cứu hộ trung bình hơn 100,000 trứng rùa biển mỗi năm (tỷ lệ nở hơn 80%).
Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm về bảo vệ rùa biển cũng giúp tăng cường an ninh trên biển, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm về săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển.
Nâng cao năng lực bảo tồn thú biển để duy trì thị trường xuất khẩu trọng điểm
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt trên 2 tỷ USD, trong đó cá ngừ và hải sản khác chiếm gần 50%.
Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản khai thác nước ngoài muốn “gõ cửa” thị trường Hoa Kỳ cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, trong đó có những quy định của Luật Bảo vệ động vật có vú ở biển của Hoa Kỳ (MMPA).
Theo MMPA ban hành vào ngày 21/10/1972, tất cả các loài động vật có vú dưới biển (thú biển) đều được bảo vệ theo đạo luật này.
MMPA được đưa ra nhằm giảm đánh bắt không chủ ý thú biển trong hoạt động khai thác hải sản; thiết lập các thủ tục để các quốc gia được phép xuất khẩu cá biển và sản phẩm từ cá biển vào Hoa Kỳ; thiết lập các tiêu chí và thủ tục để đánh giá hiệu quả các chương trình nhằm giảm đánh bắt không chủ ý thú biển được thực hiện bởi các quốc gia xuất khẩu thuỷ sản vào Hoa Kỳ.
Theo đó, các nước xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ được yêu cầu cấm các hoạt động tác động tới thú biển như săn bắt, bắt giữ, quấy rối hoặc làm hại chúng. Các nước cũng cần có các quy định đối với việc đánh bắt không chủ ý thú biển trong các hoạt động khai thác thủy sản; thực thi các quy định để bảo vệ môi trường sống của thú biển và giảm thiểu tác động có hại do con người gây ra đối với nơi sống của chúng.
Ngoài ra, Hoa Kỳ yêu cầu các nước xuất khẩu thủy sản chứng minh rằng các phương pháp sản xuất và đánh bắt hải sản tuân thủ các tiêu chuẩn bảo tồn theo quy định của MMPA; triển khai các hệ thống giám sát và truy xuất nguồn gốc để theo dõi nguồn gốc của các sản phẩm hải sản từ nghề cá có khả năng tương tác với thú biển (vây, rê, chụp, kéo, câu vàng, câu tay…) và giảm thiểu tương tác với các loài thú biển. Các nội dung trên phải được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình hành động quốc gia, kết quả các đề tài nghiên cứu, điều tra về thú biển và có liên quan đến thú biển.
Việc không tuân thủ MMPA sẽ dẫn lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản, gây ra tác động kinh tế đáng kể cho các nước xuất khẩu. Có thể nói, nếu có trường hợp vi phạm luật MMPA và bị Hoa Kỳ “tuýt còi” thì “cánh cửa” xuất khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác sang thị trường này sẽ khép lại.
Với những yêu cầu như vậy, các nước xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ đều gặp những thách thức nhất định. Trên thực tế, nghề cá tại Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung là nghề cá đa loài, quy mô nhỏ, trong khi đó, nghề cá tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu là đơn loài. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về thu thập dữ liệu thú biển, cơ chế giám sát, nguồn lực, kỹ thuật, tài chính để quản lý nghề cá mang tính “hiệu quả tương đương” như Hoa Kỳ.
Từ những khó khăn trên, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đã nêu một số giải pháp tháo gỡ. Theo đó, cần khuyến khích hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để đạt được mục tiêu bảo tồn thú biển và thương mại thủy sản bền vững. Cải tiến quy trình xuất khẩu và đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ thú biển của Hoa Kỳ. Cần triển khai các biện pháp hỗ trợ và hợp tác từ các tổ chức quốc tế để giúp Việt Nam nâng cao khả năng tuân thủ quy định bảo tồn thú biển của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức về thú biển trong cộng đồng ngư dân và xã hội.