Du lịch biển gắn với bảo vệ, bảo tồn các loài động vật thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phát triển khá mạnh mẽ tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển.
Để có một cái nhìn tổng quát về hoạt động phát triển du lịch biển, gắn với bảo tồn sinh rùa và thú biển, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có trao đổi với TS Nguyễn Thanh Bình – Phó viện Trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc gắn kết phát triển du lịch bền vững và công tác bảo tồn các loài động vật thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như rùa biển tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển? Liệu đây có thể trở thành một xu hướng trong tương lai?
Trong những năm gần đây, du lịch biển gắn với bảo vệ, bảo tồn các loài động vật thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như san hô, rùa biển được phát triển khá mạnh mẽ tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển. Các hoạt động du lịch biển này góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ-TW ngày 23/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời góp phần bảo vệ, bảo tồn các loài sinh vật biển và hệ sinh thái biển là nơi sinh cư của chúng.
Chủ trương phát triển các ngành kinh tế biển của Đảng và nhà nước theo Nghị quyết nêu trên đang được triển khai rộng khắp các địa phương ven biển. Có thể nói đây là một xu hướng tất yếu trong tương lai nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển du lịch bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Mặt khác, du lịch biển cũng tạo ra nguồn tài chính đáng kể cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển (KBTB) để triển khai các nhiệm vụ về bảo tồn biển tại các KBTB và ven biển, tạo nên nguồn thu nhập, sinh kế quan trọng cho người dân địa phương sống trong và xung quanh KBTB. Đặc biệt, trong bối cảnh các khu vực biển ven bờ đang chịu sức ép rất lớn về phát triển kinh tế xã hội của các địa phương như các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, vận tải hàng hải, nhiệt điện, điện gió, luyện thép, du lịch…
Hoạt động du lịch sinh thái biển cũng làm thay đổi nhận thức, năng lực, hiểu biết, hành vi của các tập thể và cá nhân về trách nhiệm và lợi ích bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển vốn đang bị suy giảm tại các địa phương ven biển của Việt Nam. Việc bảo vệ không chỉ tác động tích cực đến các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như rùa biển, thú biển mà còn tác động đến các hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc, đồng thời góp phần bảo vệ nơi sinh sống và đa dạng sinh học của các loài sống cùng sinh cảnh và cũng chính là bảo vệ sinh kế bền vững của ngư dân.
Có thể kể đến một số mô hình đã được xây dựng thành công như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp bảo tồn rùa biển của Công ty Six Senses Côn Đảo, phục hồi bãi đẻ tự nhiên của rùa biển, bảo vệ ổ trứng rùa biển an toàn tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Mô hình này cho thấy vừa thực hiện việc bảo tồn rùa biển vừa tạo được nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo tồn biển, đồng thời đóng góp, hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương.
Tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc tỉnh Bình Thuận, mô hình cộng đồng dân cư địa phương tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ trên đảo Hòn Cau phục vụ phát triển một số loại hình du lịch, dịch vụ như lặn biển, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính, khám phá hệ sinh thái biển, sinh hoạt dã ngoại nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững tại KBTB.
Ngoài ra, còn có các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch biển khác gắn với bảo tồn, bảo vệ các rạn san hô và trong các KBTB khác trên cả nước như ở Nhơn Hải, Nhơn Lý (Bình Định), Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phú Quốc cũng đang được phát triển tốt, dần theo hướng bền vững góp phần bảo vệ đa dạng sinh học biển, nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và nơi sống của chúng.
Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo việc gắn kết phát triển du lịch và công tác bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm luôn được cân nhắc, đánh giá một cách khoa học, kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương để giám thiểu các tác động tiêu cực, không mong muốn từ phát triển du lịch đến việc bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp quý, hiếm.
Theo ông, chúng ta cần những giải pháp và chính sách nào để tăng cường sự tham gia của khối tư nhân, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ vào công tác bảo tồn loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như rùa biển, thú biển?
Trước hết, theo quy định của pháp luật về thủy sản, ban quản lý các KBTB cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong KBTB. Đề án là cơ sở để các doanh nghiệp có căn cứ đầu tư lâu dài, hoạt động có tổ chức, đúng quy định của pháp luật và có sự đóng góp cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như rùa biển, thú biển thông qua nguồn thu của tổ chức tham gia triển khai các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong KBTB và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Ban quản lý các KBTB cũng cần rà soát các quy định của quy chế quản lý, lập đề án điều chỉnh ranh giới của các phân khu chức năng cho phù hợp với tình hình chung và thực tế quản lý của KBTB; đề xuất đầu tư các hạng mục thiết yếu của KBTB như phao tiêu, phao báo hiệu ranh giới các khu vực chức năng, phao neo tàu thuyền chở khách du lịch, phục vụ lặn ngắm san hô…, trang bị thùng rác, thu gom, xử lý rác thải tại KBTB.
Việc xây dựng kế hoạch quản lý KBTB cũng rất quan trọng. Kế hoạch quản lý cần được xây dựng cho thời gian 1 năm, 5 năm hoặc giai đoạn dài hơn là 10 năm và có sự tham gia của các bên liên quan như chính quyền địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, du lịch, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu khoa học, ngư dân và cộng đồng địa phương. Kế hoạch quản lý thường có một số nội dung chính về bảo vệ, bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh và các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, trong đó có hoạt động quan trắc đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền, giáo dục; dịch vụ và sử dụng lao động; xây dựng cơ bản và tài chính của KBTB, trong đó nêu rõ ngân sách cho các hoạt động như nguồn thu, chi. Cuối cùng, kế hoạch quản lý cần phải nêu rõ giải pháp giải quyết mối đe dọa đối với các loài và hệ sinh thái trong KBTB.
Căn cứ kế hoạch quản lý, đề án phát triển du lịch sinh thái và các quy định của pháp luật có liên quan, ban quản lý KBTB cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các định hướng phát triển của KBTB để thu hút, kêu gọi nguồn đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và nơi sống của chúng trong KBTB, các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và các hoạt động có liên quan đến phát triển sinh kế cho người dân sống trong và xung quanh KBTB, đặc biệt là hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương để giảm áp lực khai thác tài nguyên, phá hủy, biến đổi cảnh quan thiên nhiên trong KBTB.
Việc tham gia của cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB cũng hết sức quan trọng. Người dân có thể tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm trong KBTB, việc này rất phổ biến trong thực tiễn quản lý của đa số các KBTB, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực con người và tài chính tại các KBTB. Người dân còn tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái gắn với các hệ sinh thái, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong KBTB như tại dịch vụ homestay, lặn, ngắm san hô tại Cù Lao Chàm, dịch vụ du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn rùa biển tại Hòn Cau…
Cuối cùng, địa phương cũng cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, tham gia công tác công tác bảo tồn, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và các hệ sinh thái tại KBTB; đồng thời xây dựng, ban hành định mức, phương thức quản lý nguồn thu, chi các loại phí trong KBTB để có căn cứ rõ ràng cho các doanh nghiệp tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch, ban quản lý KBTB có nguồn kinh phí chi trả cho các hoạt động nghiệp vụ của mình một cách bền vững.
Theo ông, ngành nông nghiệp cần xây dựng những phương án toàn diện thế nào (về truyền thông, kỹ thuật, sự tham gia của khối công – tư…) để vừa bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa thực hiện tốt công tác bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và môi trường sống của loài thủy sản?
Trước hết, để xác định rõ những phương hướng hoạt động trong thời gian tới, việc trình, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là thực sự cần thiết, một mặt để đảm bảo bố trí đủ nguồn lực triển khai những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản. Mặt khác, các địa phương cũng căn cứ Chương trình để xây dựng Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với tình hình thực tế và khả năng bố trí nguồn lực của địa phương.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 23/10/2018 xác định mục tiêu phát triển các ngành kinh tế biển trong đó có du lịch biển và khai thác hải sản đồng thời bảo đảm các khu bảo tồn biển và ven biển chiếm tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Do vậy, việc các KBTB và ven biển được thành lập, quản lý tốt và đi vào hoạt động có hiệu quả là cơ sở quan trọng để phát triển ngành du lịch biển, đồng thời tạo nguồn giống, đặc biệt là loài nguy cấp, quý, hiếm để bổ sung cho nguồn lợi thủy sản giúp duy trì, phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản trên biển. Các chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng của khu bảo tồn biển cũng cần được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhằm tạo hạ tầng tốt phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và tạo điều kiện để cộng đồng, doanh nghiệp phát triển các hoạt động du lịch sinh thái trong KBTB theo đúng quy định.
Các địa phương cũng cần chú ý dành nguồn lực, đầu tư kinh phí để tăng cường nguồn lực phục vụ quản lý và hoạt động của KBTB, duy trì các hoạt động chức năng của KBTB, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương sống trong và xung quanh KBTB. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và hệ sinh thái là nơi sinh cư của chúng thông qua phương án thu, quản lý các loại phí như phí thăm quan, phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng là hết sức cần thiết nhằm xã hội hóa nguồn lực. Tuy nhiên, để bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững, hiện tại mỗi KBTB rất cần được đánh giá sức tải đối với số lượng khách du lịch đến KBTB, không nên chạy theo số lượng, du lịch đại chúng mà nên phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và thu phí phù hợp với dịch vụ, cảnh quan và giá trị của KBTB nhằm tránh sự ảnh hưởng tiêu cực đến mục đích bảo tồn và những hậu quả về môi trường tại KBTB.
Ngoài ra cũng còn nhiều vấn đề khác cũng cần được quan tâm như tuyên truyền, truyền thông về bảo tồn biển đến người dân và xã hội, phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học, giám sát đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm trong phạm vi KBTB nhằm đạt được các mục tiêu của KBTB nói chung, trong đó có các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội và mục đích bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nói riêng.
Xin cảm ơn ông!
(Thực hiện)