Trong nuôi tôm, những thứ khiến người nuôi phải đau đầu khi nhắc đến có lẽ chính là bộ ba tảo, khí độc, nấm. Những thứ làm cho ao nuôi phát sinh vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của tôm trong ao, gây thiệt hại cho vụ nuôi một cách đáng kể.
Ảnh hưởng của tảo
Các loài tảo xuất hiện trong ao thường xuyên, tuy nhiên sẽ có loài tảo có lợi và sẽ có loài có hại cho tôm.
Có hại ở đây đang nhắc đến các loài tảo độc như tảo lam, tảo mắt, tảo giáp,… các loại tảo này thường tiết ra độc tố gây hoại tử gan tôm, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi tôm, làm tôm mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh.
Tảo lam
Có 2 loại tảo lam phổ biến trong ao nuôi: Oscillatoria và Microcystic.
Khi tảo lam phát triển với mật độ dày đặc có thể thấy hạt liti trên mặt nước bằng mắt thường, nước ao sẽ có màu xanh lam, xanh ngọc, nổi váng xanh trên mặt nước và có mùi hôi. Trời nắng gắt tảo lam thường nổi thành đám trên mặt nước, dạt về cuối gió. Khi tảo lam già có dạng hạt hay dạng sợi thường thải chất nhờn vào nước có thể gây tắc nghẽn mang tôm
Ao nuôi có tảo lam tôm thường sẽ mắc các bệnh về đường ruột, ngoài ra còn gây mùi hôi cho tôm, gây nhờn nước. Tảo lam sợi sẽ cản trở sự hô hấp của tôm.
Tảo mắt
Tảo mắt (Euglenophyta) là sinh vật chỉ thị môi trường, khi tảo mắt xuất hiện chứng tỏ trong ao bị ôi nhiễm chất hữu cơ, nền đáy nhiễm bẩn.
Khi tảo mắt phát triển thì nước ao có màu nâu đen, xanh rau má. Quan sát trên kính hiển vi sẽ thấy tảo mắt di chuyển nhanh trong nước nhờ có lông roi nằm ở đầu trước cơ thể đơn bào có điểm mắt màu đỏ.
Tảo giáp
Tảo giáp (Pyrrophyta) xuất hiện trong ao nếu tôm ăn phải loại tảo này sẽ làm cho tôm khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bị bệnh phân đứt khúc. Là nguyên nhân gây hiện tượng phát sáng trong ao. Ngoài ra tảo giáp còn là nguyên nhân làm cho tôm nổi đầu về đêm do thiếu Oxy trong nước.
Ao nước có màu nâu đỏ/màu trà sẫm, mặt nước xuất hiện vàng nâu đậm. pH giao động ngày đêm lớn. Quan sát trên kính hiển vi tảo có màu đen giống hạt lơ lửng, có khe ở giữa và có gai.
Ảnh hưởng của khí độc
Các loại khí độc trong ao nuôi tôm thường gặp nhất có thể kể đến là Amoniac (NH3), Nitrite (NO2) và Hydro Sulfua (H2S). Những loại khí độc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm như:
– Làm cản trở khả năng lấy Oxy của tôm.
– Gây stress cho tôm, nhiễm khuẩn, tôm chậm tăng trưởng.
– Giảm sức đề kháng, làm tôm dễ nhiễm bệnh.
– Dễ chết hàng loạt nếu tiếp xúc thời gian dài.
– Tạo điều kiện cho các loại tảo độc phát triển, gây thiếu Oxy hàng loạt, gây hiện tượng sụp tảo.
Khí độc là một trong những nguyên nhân khiến tôm chậm lớn
NH3: Xuất hiện chủ yếu do đạm dư từ thức ăn tôm ăn không hết, phân tôm (chiếm 75%), xác tôm, xác tảo khi chết sẽ phân hủy ra một lượng đám đáng kể.
NO2: Nguyên nhân do ao có khí độc NH3 sau đó bị vi khuẩn phân hủy thành NO2 hoặc do hàm lượng Oxy hòa tan trong ao thấp, khiến chu trình Nitrat hóa chậm, khí NO2 tăng nhanh.
H2S: Hình thành do vi khuẩn khử Sunfat phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện không Oxy. Hoặc hình thành trong lớp mùn đáy ao do cải tạo không kỹ, biện pháp xi phông đáy ao không tốt, thức ăn dư thừa.
Ảnh hưởng của nấm
Trong các ao nuôi công nghệ cao hay ao nuôi trải bạt, nấm thường xuất hiện ở các bờ, bạt đáy và các dụng cụ nuôi tôm, chẳng hạn như phao đặt dàn quạt. Ban đầu, chúng hình thành chỉ một cụm nhỏ nhưng lâu ngày sẽ phát triển thành một tổ nấm, sản sinh độc tố khiến môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, đồng thời trở thành nơi ký sinh của các ký sinh trùng, vi khuẩn gây hại cho tôm.
Ngoài ra, độc tố của nấm cũng khiến hiệu quả sử dụng men vi sinh, thuốc và các hóa chất cho tôm bị giảm đáng kể.Nguy hiểm hơn, tôm là loài động vật ăn tạp nên rất yêu thích “mùi tanh” của nấm. Nếu ăn phải các loại nấm này, tôm sẽ bị dính các độc tố, dẫn đến khó tiêu hóa và mắc các bệnh về đường ruột, khiến tôm bị chậm lớn, ốp thân, còi cọc và có thể chết. Bên cạnh đó, nấm cũng là tác nhân gây ra các căn bệnh khác trên tôm như bệnh gan tụy, mềm vỏ, đốm đen, ốp thân,… dẫn đến giảm năng suất về chất lượng và sản lượng.
Nấm phát triển nhanh và rất khó diệt
Biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn
Đối với tảo
Để xử lý tảo hiện nay có rất nhiều phương pháp khác nhau như: cơ học, hóa học và sinh học. Mỗi phương pháp khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau.
Diệt tảo bằng biện pháp vật lý: Đây là biện pháp truyền thống mà hầu hết bà con hay sử dụng đó chính là vớt tảo và thay nước. Biện pháp này khá tốn thời gian, nhân lực và tần suất thay nước cần thường xuyên nhằm đảm bảo việc hạn chế vấn đề phát triển và ảnh hưởng của tảo lam đến nuôi tôm.
Diệt tảo bằng biện pháp hóa học: Đối với biện pháp hóa học, để xử lý tảo lam, người ta thường dùng các hợp chất diệt tảo như EDTA đồng hoặc Sulphate đồng (CuSO4). Biện pháp diệt tảo lam bằng các hợp chất hóa học thường sẽ cho ra kết quả khá nhanh.
Diệt tảo bằng biện pháp sinh học: Sử dụng men vi sinh trong xử lý tảo lam được xem là một trong những biện pháp sinh học hiệu quả nhất. Không giống với biện pháp hóa học, biện pháp sinh học không thể loại bỏ tảo lam một cách nhanh chóng nhưng có thể giúp loại bỏ tảo lam một cách triệt để và an toàn cho tôm cũng như người nuôi.
Tôm đạt giá trị thương phẩm cần sạch bệnh
Đối với khí độc
Xử lý các loại khí độc trong ao tôm là vấn đề rất được quan tâm. Để khắc phục tình trạng khí độc, người nông dân thường tiến hành thay nước ao tôm, sử dụng vôi để cắt giảm tảo, giảm lượng thức ăn vừa đủ, tránh thức ăn thừa… Tuy nhiên những biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời và hỗ trợ, thực chất nồng độ các khí độc không giảm nhiều, thậm chí còn nhanh chóng xuất hiện lại.
Đối với nấm
Đối với ao nuôi đang có tôm: Phải đặc biệt lưu ý khi dùng biện pháp cơ học như chà, tẩy các cá thể nấm, vì khi làm việc này có thể vô tình làm cho các bào tử nấm phát tán mạnh hơn và các cá thể nấm khi bị chà bong tróc ra sẽ phát sinh độc tố khi tôm ăn phải. Giảm và kiểm soát lượng thức ăn cho ăn, bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ hệ tiêu hóa tôm. Nâng cao độ đục hoặc mực nước nhằm làm giảm ánh sáng, ngăn cản cản sự quang hợp của nấm sẽ làm nấm chết. Tăng cường quạt nước, sục khí. Tránh cho ăn gần bờ.
Đối với ao nuôi đã thu cần xử lý sạch sẽ bạt đáy ao và các khu vực xung quanh, các dụng cụ như quạt, oxy,.. bằng các hóa chất chuyên dụng.
Khí độc, tảo hay nấm có thể nói gần như luôn dễ dàng xuất hiện trong ao nuôi tôm. Vì vậy, bà con cần nên luôn quan sát ao nuôi thường xuyên, nếu có dấu hiệu trên hãy dùng cái biện pháp xử lý phù hợp.
Để có thể xác định nhanh các loài tảo,khí độc và nấm, bà con có thể đến các phòng xét nghiệm tại địa phương để có kết quả nhanh chóng và chính xác nhất nhé!