Nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trường Đại học Cần Thơ được thực hiện nhằm xác định thời điểm bổ sung thức ăn tổng hợp thích hợp lên sinh trưởng và đồng thời nâng cao tỷ lệ sống của cá chim vây vàng ở giai đoạn cá hương lên cá giống.
Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede, 1801) là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc (Thành, 2013). Đây là loài cá nổi, rộng muối, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, ưa hoạt động, dễ nuôi, có khả năng nuôi với mật độ cao trong lồng hoặc trong ao ở thủy vực nước lợ và nước mặn nên đã trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước thuộc châu Á – Thái Bình Dương như Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam (Bình & Thanh, 2008).
Trong sản xuất giống nhân tạo, có hai thời điểm quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của cá là giai đoạn khi hết noãn hoàng (bắt đầu tập sử dụng thức ăn ngoài và chuyển đổi từ thức ăn sống sang thức ăn công nghiệp. Thời điểm chuyển đổi thức ăn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của đa số các loài cá biển. Bên cạnh đó, trong sản xuất giống cá biển, chi phí cho sử dụng thức ăn tươi sống, đặc biệt là Artemia Rất lớn, do đó việc chuyển đổi thức ăn tươi sống sang thức ăn viên công nghiệp nhằm giảm chi phí mà vẫn đảm bảo tỷ lệ sống là rất cần thiết.
Thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gốm 4 nghiệm thức với thời điểm bổ sung thức ăn tổng hợp khác nhau (15, 18, 21, 24 ngày tuổi) với 3 lần lặp lại. Cá được bố trí trong bể nhựa với thể tích 100 l/bể (chứa 90 l nước), nước ương có độ mặn 30‰ và mật độ ương 1 con/lít. Nguồn cá được sử dụng trong nghiên cứu được ương tại trại thực nghiệm Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, đến khi cá được 14 ngày tuổi thì tiến hành bố trí thí nghiệm, cá có khối lượng trung bình là 0,031 ± 0,001 g, chiều dài 9,30 ± 0,66 mm và chiều cao 2,53 ± 0,30 mm. Thời gian thí nghiệm là 30 ngày.
Chăm sóc, quản lý: Cá được cho ăn bằng Artemia giàu hóa và bổ sung thức ăn tổng hợp ở các ngày tuổi khác nhau tương ứng với từng nghiệm thức trên. Artemia được giàu hóa bằng DHA PROTEIN SELCO trong 12 giờ trước khi cho cá ăn, cho ăn 2 lần/ngày (8h và 14h) với mật độ 0,5 – 5 cá thể/mL/ngày, kiểm tra lượng thức ăn sau khi cho ăn 1 giờ, đồng thời điều chỉnh lại lượng Artemia cho phù hợp và cho cá ăn đến khi cá đạt 26 ngày tuổi. Thức ăn tổng hợp NRD với kích cỡ hạt 300 – 500 μm và thức ăn dạng nổi (thành phần thức ăn NRD: 55% protein, 9 – 16% lipid, 1,9% chất xơ, 1,6% lysine, 1,25% methionine + cystine) được bổ sung theo thời gian của mỗi nghiệm thức (cá 15, 18, 21, 24 ngày tuổi), phải được tập cho ăn trước thời gian cho ăn bằng Artemia của mỗi ngày, cho ăn 4 lần/ngày (7h, 10h, 13h và 17h), cá được cho ăn theo nhu cầu đồng thời cho ăn từ từ, quan sát tốc độ cá ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Độ mặn của các bể ương được duy trì ổn định 30‰, định kỳ xiphong đáy và thay nước 1 lần/ngày và mỗi lần thay 30% thể tích nước trong bể ương.
Các yếu tố môi trường: Nhiệt độ và pH được đo định kỳ 7 ngày/lần bằng máy đo hiệu Hana HI98127 (7 giờ và 14 giờ), hàm lượng ôxy hòa tan được đo bằng máy ôxy Guard (7h và 14h), ánh sáng được đo bằng máy Testo 545 (6, 9, 12, 15 và 18 giờ). Hàm lượng TAN, nitrit và nitrat được đo định kỳ 7 ngày/lần bằng bộ test SERA của Đức.
Các chỉ tiêu theo dõi cá: Mẫu cá ban đầu được cân khối lượng và đo chiều dài, cao thân ngẫu nhiên 30 con để tính chung cho tất cả nghiệm thức. Định kỳ 10 ngày/lần cân khối lượng và đo chiều dài, cao thân ngẫu nhiên 10 con/bể. Khi kết thúc thí nghiệm, cá được cân khối lượng, đo chiều dài, cao thân ngẫu nhiên 30 con/bể và đếm số lượng cá trong từng bể của từng nghiệm thức để xác định tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống.
Kết quả
Kết quả cho thấy, trong suốt quá trình thí nghiệm, các chỉ tiêu đều thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cá. Cụ thể, nhiệt độ trung bình của các nghiệm thức dao động trong khoảng 28,14 – 30,26oC, trong đó buổi sáng dao động trong khoảng 28,14 – 28,18oC và buổi chiều dao động trong khoảng 30,18 – 31,26oC; pH trung bình 8,07 – 8,12 vào buổi sáng và 8,08 – 8,12 vào buổi chiều; Hàm lượng ôxy hòa tan trung bình của các nghiệm thức trong quá trình thí nghiệm dao động từ 4,11 – 4,37 mg/L, trong đó buổi sáng dao động trong khoảng 4,34 – 4,37 mg/l và buổi chiều dao động trong khoảng 4,11 – 4,25 mg/l.
Kết quả sau 30 ngày ương cho thấy, khi bổ sung thức ăn tổng viên cho cá vào thời điểm 15 ngày tuổi thì cá sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (0,074 g/ngày và 14,29%/ngày) và đạt tỷ lệ sống cao nhất (97,41%). Do đó, trong ương giống cá chim vây vàng, người nuôi cần bổ sung thức ăn viên vào thời điểm 15 ngày để cá tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống tốt nhất.
Lê Loan