CẦN THƠ Trại lươn giống Tam Lộc của anh La Hữu Lộc ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã nổi tiếng gần xa, lươn giống sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường ĐBSCL.
Anh La Hữu Lộc ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ là chủ trại lươn giống Tam Lộc, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con giống cho nông dân ĐBSCL.
Anh Lộc cho biết, do đam mê nông nghiệp, năm 2012, anh quyết định bỏ công việc về công nghệ thông tin ở Singapore để về Việt Nam nuôi lươn sinh sản. Anh dùng hết số tiền dành dụm được khi làm việc ở nước ngoài, cộng thêm tiền mượn của gia đình được tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng để mở trại sản xuất lươn giống Tam Lộc với diện tích trên 1ha, được chia ra 130 bồn nuôi lươn giống theo quy trình hiện đại.
Khi mới bắt tay vào nghề sản xuất lươn giống và cả nuôi lươn thương phẩm, anh Lộc gặp nhiều khó khăn và thất bại, lỗ gần hết vốn. Tuy nhiên với ý chí quyết tâm, học hỏi, anh không bỏ cuộc. Mỗi lần lươn có bệnh lạ hay có biểu hiện bất thường anh đều ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm.
Bên cạnh nỗ lực của bản thân, anh Lộc còn được Trạm khuyến nông quận Bình Thủy thường xuyên hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hướng dẫn tận tình về cách cho lươn sinh sản nhân tạo đạt hiệu quả. Chính vì vậy, nhiều vụ lươn vừa qua anh Lộc nuôi rất thành công và cho ra sản lượng lươn giống chất lượng cao để phục vụ cho người nuôi.
Lươn giống tùy theo ngày tuổi và kích cỡ sẽ có giá bán khác nhau. Lươn giống cỡ từ 1.400 – 1.600 con/kg giá 4.000 đồng/con; từ 500 – 550 con/kg giá 5.000 đồng/con; từ 250 – 350 con/kg giá 6.000 – 7.000 đồng/con… Đặc biệt, nông dân đến mua lươn giống sẽ được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi, cũng như cách thức xây dựng trang trại sao cho phù hợp.
Anh Lộc cho biết, mô hình nuôi lươn giống trong bể bạt hay bể xi măng rất phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, do không đòi hỏi diện tích lớn, người nuôi lươn có thể tận dụng đất xung quanh nhà để nuôi. Vốn đầu tư ban đầu cho mô hình cũng không quá cao.
So với nuôi lươn thịt, nuôi lươn giống đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Theo anh Lộc, để việc nuôi lươn giống mang lại hiệu quả, đạt chất lượng, người nuôi cần phải chọn lươn bột tốt và vệ sinh bồn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi.
Trại sản xuất lươn giống Tam Lộc được chia thành 2 khu nuôi, khu vực lươn sinh sản có 80 bồn, diện tích khoảng 16m2/bồn. Khu vực nuôi dưỡng con giống khoảng 40 bồn rộng từ 6 – 8m2/bồn. Bên cạnh đó, anh còn xây dựng ao riêng biệt để xử lý nước thải và tận dụng nước thải đó để nuôi cá tăng thêm thu nhập.
Anh Lộc chia sẻ, trong quá trình nuôi lươn giống bố mẹ, cần chú ý thay nước sau khi cho ăn để làm sạch nguồn nước giúp lươn ít bị bệnh. Mực nước bể nuôi lươn giống chỉ cần 10 – 15cm. Mỗi ngày thay nước 2 lần. Ðặc biệt, khi thay nước phải thực hiện nhẹ nhàng, tránh tháo cạn kiệt nước và không làm cho lươn bị sốc, sẽ giúp giảm được tỷ lệ hao hụt.
Trong quá trình nuôi lươn, phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để cho ăn, chăm sóc phù hợp. Mô hình nuôi lươn giống của anh Lộc chỉ cho lươn ăn bằng trùn chỉ khi lươn mới nở, khi lươn từ 8 – 12 ngày tuổi trở lên anh trộn men tiêu hóa cho lươn ăn. Ðối với lươn 25 – 30 ngày tuổi, có thể cho ăn 3kg trùn chỉ/bồn/ngày.
Hiện tại, với số lượng 130 bồn nuôi lươn giống, trang trại của anh Lộc mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con giống cho bà con ở khu vực ĐBSCL.
Giờ đây, trại lươn giống Tam Lộc của anh Lộc đã nổi tiếng gần xa, lươn giống sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường, đem lại lợi nhuận cho anh hàng trăm triệu đồng/năm.
Sau nhiều năm thành công với con lươn và đóng góp cho nông nghiệp địa phương, trại lươn giống Tam Lộc của anh Lộc đã được nhận giấy khen của UBND quận Bình Thủy.
Lê Hoàng Vũ