Trong thời gian qua, các bộ ngành và địa phương ven biển trên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các khuyến nghị của Đoàn thanh tra Ủy ban châu u (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC, các địa phương ven biển đã lên kế hoạch sẵn sàng cho đợt kiểm tra lần này.
Kiên Giang
Bên cạnh công tác thực thi pháp luật, quản lý chặt chẽ đội tàu, việc giám sát sản lượng thủy sản qua cảng được tỉnh Kiên Giang rất chú trọng.
Kiên Giang chỉ có 2 cảng cá chỉ định là cảng cá Tắc Cậu và cảng cá An Thới do Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang quản lý. 8 tháng năm 2023, có hơn 1.300 lượt tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản, với tổng sản lượng 22.486 tấn.
Các địa phương ven biển tiếp tục chống khai thác IUU, quản chặt đội tàu khai thác thủy sản. Ảnh: Thanh Quang
Thực hiện quy trình giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang tập trung nguồn lực đảm bảo bố trí giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua 2 cảng cá chỉ định, đảm bảo xuyên suốt trong quá trình tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản qua cảng.
Để việc kiểm tra, giám sát hoạt động bốc dỡ thủy sản và kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng tại Kiên Giang tốt hơn, Sở NN&PTNT Kiên Giang cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của các cảng cá để đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ, kiểm soát được tàu cá ra, vào cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân; kêu gọi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản không mua những lô hàng không chứng minh được nguồn gốc khai thác, cùng góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Bình Thuận
Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Thuận đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng biển triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, công tác chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản cũng được triển khai quyết liệt, thường xuyên. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát tàu cá, qua đó đã phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngành chức năng tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU trước khi xuất bến. Ảnh: Duy Khiêm
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác phòng, chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả tích cực, đáng chú ý là tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài từng bước được ngăn chặn, giảm thiểu. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt tỷ lệ 99,7%, quy trình quản lý, giám sát tàu cá và sản lượng qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản được quan tâm thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU.
Tiền Giang
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, tỉnh hiện có 1.298 tàu đánh bắt hải sản, với 9.390 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của Tiền Giang đã tích cực triển khai các giải pháp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU.
Ngoài ra, Tiền Giang thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển…
Qua đó, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã có sự chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh, có 965/965 tàu cá đang hoạt động trên biển đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đưa vào hoạt động, đạt 100%. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang không ghi nhận thông tin tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Bến Tre
Bến Tre có hơn 2.000 tàu hoạt động vùng khơi, chiếm tỷ lệ gần 73% so với tổng tàu cá; trong đó có gần 90% tàu được cấp giấy phép khai thác. Để quản lý tàu cá, đến nay Bến Tre có 2.002/2.034 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; số tàu còn lại chưa hoạt động. Tất cả dữ liệu đội tàu đã được cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định.
Hiện toàn tỉnh có 8 đơn vị tham gia giám sát tàu cá qua Hệ thống giám sát của Cục Thủy sản. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã phát hiện trên 1.500 lượt tàu mất tín hiệu kết nối trên biển; trong đó có 106 tàu mất tín hiệu trên 10 ngày do nhiều nguyên nhân. Tất cả đều được ngành chức năng xử lý và khắc phục. Đồng thời, ngành chức năng còn phát hiện 36 tàu khai thác vượt ranh, đã làm việc 16 chủ tàu, giáo dục, nhắc nhở yêu cầu cam kết không vi phạm; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 thuyền trưởng, tổng số tiền phạt 137,5 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, Bến Tre chưa có tàu khai thác vi phạm bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Công tác quản lý tàu cá hoạt động xa khơi đang được chính quyền và các ngành chức năng Bến Tre tiếp tục tăng cường.
Cà Mau
Theo thống kê từ UBND tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm đến nay, tỷ lệ đánh dấu tàu cá và tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên Hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá. Bên cạnh đó, hàng tuần, ngành chức năng lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng với gần 60.000 lượt tàu/287.000 lượt người ra biển hoạt động.
Song song đó, việc theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động trên biển. Mặt khác, địa phương đã thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng; mở trên 2.000 lượt tuần tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển, kiểm soát chặt chẽ không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình và thiếu thủ tục, giấy tờ ra biển hoạt động…
Đến nay, ngư dân Cà Mau hầu hết đều có sự hiểu biết nhất định về chống khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của ngư dân đã được nâng lên rõ rệt.
Anh Vũ
>> Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch hành động, đồng thời tăng cường nguồn lực chống khai thác IUU tại địa phương. Một số địa phương đã đẩy mạnh truyền thông, phối hợp với các lực tăng cường tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của ngư dân.