ĐẮK LẮK Năm nay giá cà phê nhân tăng cao, người dân tích cực tái canh nên nguồn cung cây giống cà phê trở nên khan hiếm, giá tăng 2 – 3 lần vẫn ‘cháy hàng’.
Giá tăng gấp 2 – 3 lần, phải đặt trước mới có
Các tuyến đường thuộc xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xung quanh Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên là nơi cung cấp lượng lớn cây giống cà phê cho người dân Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Nơi đây có hàng chục cơ sở kinh doanh cây giống từ lớn đến nhỏ. Trong vai chủ vườn đi mua giống cây cà phê, phóng viên có mặt tại đây để xem hàng. Khi tiếp cận các cửa hàng kinh doanh, hầu hết đều được thông báo số lượng giống cà phê không còn nhiều.
Ghé vào một cửa hàng hỏi mua giống cà phê để trồng trên diện tích 3ha, chủ cửa hàng chỉ vào khu vực trưng bày cây cà phê giống cho biết: “Còn chừng này thôi, các anh mua số lượng lớn thì không có”.
Tương tự, khi chúng tôi đến các cửa hàng khác trên cùng tuyến đường, hầu hết cũng không còn nhiều giống cà phê. Một số cửa hàng còn giống thì phần lớn đã được đặt trước. Số ít giống còn lại chỉ là cây nhỏ, lá bị xoăn.
Các chủ cơ sở kinh doanh cho biết, chưa có thời điểm nào "cháy hàng" giống cây cà phê như năm nay. Cũng vì hiếm hàng, nên giá cà phê giống cũng tăng lên nhiều lần.
Cụ thể, giá cây giống cà phê thực sinh ở đây được bán từ 4.000 – 8.000 đồng/cây, tùy theo kích thước cũng như bầu đất. Còn cà phê ghép có giá từ 14.000 – 16.000 đồng/cây. Giá cà phê giống hiện tại ở đây cao gấp đôi, gấp ba so với thời điểm những năm trước.
Một số cửa hàng còn giống cà phê nhưng khi được hỏi mua hàng thì chủ cơ sở yêu cầu phải đặt cọc để giữ. “Nếu không đặt cọc thì lúc có người khác đến mua sẽ bán. Bây giờ giá thế nhưng có khi ngày mai giá sẽ tăng lên nữa vì hết hàng”, một chủ cơ sở kinh doanh giống nói.
Việc cà phê giống khan hiếm và tăng giá mạnh đã khiến nông dân gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao hơn so với mọi năm.
Ông Trần Đức Phổ (ngụ xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm nay gia đình trồng dặm lại 5 sào cà phê bị chết cục bộ. Do đó, gia đình cần khoảng 300 cây giống để trồng.
“Những năm trước chỉ cần đến khu vực quanh Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là có thể dễ dàng mua được giống nhưng năm nay tôi phải đi mấy cửa hàng mới chọn được cây giống vừa ý và phải chấp nhận mua giá cao (5.000 đồng/cây).
Giá cây giống tăng cao, cộng với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng khiến những hộ trồng mới, hoặc tái canh cà phê diện tích lớn chi phí bị đội lên rất lớn, trong khi chưa biết giá cà phê những năm tới thế nào”, ông Phổ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Ninh (ngụ xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cũng mua hơn 400 cây cà phê để trồng tái canh cho gần 1ha đất của gia đình.
Theo ông Ninh, năm nay giá cà phê nhân tăng cao nên người dân đổ xô mua giống tái canh cho các diện tích cà phê già, năng suất thấp.
“Năm trước hàng xóm mua cây giống cà phê để tái canh chỉ với giá hơn 3.000 đồng/cây nhưng năm nay do hết hàng nên giá đội lên cao. Không những giá cao mà để có giống trồng, tôi phải đi hơn 30km đến xã Hòa Thắng để mua hàng”, ông Ninh nói.
Cẩn thận mua phải giống kém chất lượng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk , địa phương hiện có 202 nghìn ha cà phê, là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, Đắk Lắk cũng là địa phương có diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất lớn nhất nước.
Do đó, những năm gần đây, chính quyền địa phương, người dân Đắk Lắk đã thưc hiện tái canh nhiều diện tích. Đặc biệt, năm nay giá cà phê tăng cao nên người dân ào ạt mua giống để tái canh, dẫn đến tình trạng hiếm hàng, tăng giá cà phê giống.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, do giá cà phê nhân tăng cao nên người dân đổ xô tái canh những diện tích già cỗi.
"Tình trạng nguồn cung cây giống cà phê khan hiếm cũng dẫn đến những rủi ro do giống không đảm bảo chất lượng, giống không được khảo nghiệm công nhận hay mua tại các cơ sở sản xuất không đảm bảo. Để có giống tốt, bà con nông dân nên đến những cơ sở kinh doanh cây giống uy tín, có giấy tờ, hóa đơn chứng từ.
Khi mua, người dân cần kiểm tra kỹ chất lượng cây giống, bầu giống và khâu cải tạo đất, khử mầm bệnh trong đất theo trình tự và thời gian quy định. Khi đất sạch mầm bệnh mới tiến hành đặt giống để hạn chế tỷ lệ cây bị chết”, ông Hiển nói.
Là đơn vị nghiên cứu, tạo ra giống cà phê của cả nước, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên mỗi năm cung ứng ra thị trường 5 – 6 tấn hạt giống, 1,5 triệu cây giống cà phê phục vụ trồng cho 5.000ha.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, năm nay, cà phê giống của đơn vị vẫn giữ nguyên giá cung ứng ở mức 3.500 – 4.000 đồng/cây thực sinh và 8.000 đồng/cây ghép.
“Giống ở Viện được nghiên cứu, có nguồn gốc rõ ràng, có vườn đầu dòng, chất lượng được bảo đảm. Các giống bên ngoài sẽ không đảm bảo chất lượng, do đó người dân nên thận trọng. Người dân không nên tùy tiện mở rộng diện tích ồ ạt mà chỉ nên trồng tái canh ở những diện tích nằm trong quy hoạch, trồng thay thế những vườn cà phê xấu, già, năng suất thấp", TS Hà khuyến cáo.
Theo TS Phan Việt Hà, diện tích đất để trồng mới cà phê còn rất ít, nếu người dân mở rộng thêm diện tích sẽ rất dễ xâm hại đến đất rừng. Trong khi đó, theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), sản phẩm cà phê nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.