Để nghề nuôi dê, cừu phát triển bền vững, Ninh Thuận triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, tích hợp đa giá trị.
Nuôi theo hướng bán chăn thả
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết: Do diện tích đồng cỏ tự nhiên ở Ninh Thuận ngày càng giảm dẫn đến bãi chăn thả dê, cừu bị thu hẹp. Trong khi, phương thức nuôi nhốt hoàn toàn khiến giá thành tăng cao, người nuôi giảm lợi nhuận mà chất lượng thịt cũng không tốt.
Do đó, để chăn nuôi dê, cừu bớt phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, hình thức bán chăn thả chuyển từ quảng canh sang tập trung đang được các hộ dân hướng đến. Theo đó, đàn dê, cừu sẽ thả ở các đồng cỏ tự nhiên vào lúc thời tiết khô ráo trong ngày để tự kiếm ăn, sau đó được đưa trở lại chuồng giúp tiết giảm thức ăn.
Anh Tô Công Trang, khu phố 10, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết, trang trại của anh đang nuôi hơn 300 dê, cừu. Ngoài cỏ, lá tự nhiên dê, cừu kiếm được khi chăn thả, anh bổ sung thêm khoáng, muối, protein và phụ phẩm nông nghiệp tại chuồng vào ban đêm hay những ngày mưa gió.
“Nuôi theo hình thức chăn thả kết hợp nhốt chuồng giúp giúp tận dụng được nguồn thức ăn ngoài tự nhiên, vừa tiết kiệm chi phí mà đàn dê, cừu lại phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt cũng ngon hơn so với nuôi nhốt hoàn toàn”, anh Tô Công Trang nói.
Ngoài hình thức bán chăn thả, để phát triển nuôi dê , cừu theo hướng bền vững, thoe ông Phan Đình Thịnh, các hộ dân thời gian qua đã chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chất lượng cao để chế biến, ủ thành thức ăn xanh kết hợp bổ sung thức ăn tinh.
Mở rộng diện tích trồng cỏ voi, cỏ VA06 cũng như sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cỏ tươi, phụ phẩm trồng trọt (rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc, lá táo, lá nho…) để dự trữ, chế biến thành thức ăn cho dê, cừu.
“Cần cân đối nguồn thức ăn tinh để bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi của dê, cừu nhằm giảm giá thành chăn nuôi và tăng sức cạnh tranh với sản phẩm thịt nhập khẩu. Quá trình chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại cần thực hiện đúng quy trình, phù hợp thực tế của từng nông hộ”. Ông Phan Đình Thịnh chia sẻ.
Cũng theo ông Phan Đình Thịnh, để nâng cao chất lượng con giống, các hộ chăn nuôi nhập dê đực Bách thảo, Boer, cừu Úc, hoán đổi đực giống để giao phối với dê, cừu cái tại địa phương làm tươi máu, hạn chế đồng huyết, tạo thế hệ con lai có có tầm vóc lớn, năng suất, chất lượng thịt cao.
Hiện nay, người dân Ninh Thuận chủ yếu nuôi giống cừu được lai tạo từ giống địa phương với cừu Úc . Ưu điểm của giống cừu này là trọng lượng lớn hơn 30 – 40% so với giống cừu thuần nội. Trung bình, mỗi con cừu đạt trọng lượng từ 50 – 60kg.
Xây dựng thương hiệu
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, để ngành chăn nuôi dê, cừu phát triển bền vững, cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa người nuôi với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh giết mổ, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ. Từng bước đưa sản phẩm dê, cừu có mặt tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bữa ăn hàng ngày và hướng đến xuất khẩu.
Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng trang trại gắn quy hoạch đồng cỏ, các chương trình dự án sản xuất hàng hóa gắn công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết.
Ông Thịnh cho rằng, để hình thành các chuối liên kết cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư, phát triển chăn nuôi dê, cừu. Giữ vững và phát triển dê, cừu là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” và thương hiệu “Cừu Ninh Thuận”.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ nông dân tham gia liên kết theo chuỗi giá trị với cơ sở kinh doanh giết mổ, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm dê, cừu cũng được các ngành chức năng quan tâm.
Trong đó, các cơ sở giết mổ tập trung tham gia liên kết với hộ chăn nuôi dê, cừu địa phương, hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Cuối cùng, thu mua lại sản phẩm của người dân và giết mổ đảm bảo yêu cầu, một số đưa vào chế biến, xuất khẩu.
Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh tiến tới khống chế, kiểm soát một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được ngành chức năng tăng cường.
Ông Phạm Văn Bảo, Phó phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, công tác kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y, kiểm dịch động vật, giám sát an toàn dịch bệnh đối với cơ sở chăn nuôi thường xuyên được tỉnh chú trọng. Đến quý 3 năm nay, các địa phương đã tiêm phòng được hơn 3 triệu liều vacxin các loại. Hiện, đã kết thúc tiêm phòng đợt 1/2023 theo kế hoạch.
“9 tháng đầu năm 2023, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh dại trên động vật cơ bản được kiểm soát tốt. Trong tháng 3, bệnh lở mồm long móng xảy ra trên bò với 18 con mắc bệnh, thuộc 6 hộ dân với 38 con tổng đàn tại địa bàn xã Phước Chính, huyện Bác Ái đã được phát hiện, khống chế kịp thời, không lây ra diện rộng. Các bệnh truyền nhiễm thông thường ở đàn dê, cừu xảy ra lác đác tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã được xử lý kịp thời”, ông Bảo nói.
Ngoài các giải pháp trên, hiện mô hình nuôi cừu kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cũng được nhiều người hướng đến. Độc đáo nhất có lẽ là điểm Du lịch Đồng cừu An Hòa nằm trên địa bàn thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Đây là điểm tham quan được rất nhiều khách du lịch ghé tới mỗi khi đến Ninh Thuận.
Đây là một trong những địa điểm chăn thả cừu tự do lớn nhất của Ninh Thuận. Trên một vùng đồng cỏ thảo nguyên rộng lớn, đàn cừu với số lượng hàng nghìn con được đi lại kiếm ăn tự do. Không chỉ sở hữu các đàn cừu được chăn thả tự nhiên, ở An Hòa còn có vô số các trang trại cừu của người dân địa phương với quy mô từ 100 – 200 con. Đây là điểm thích hợp dành cho những khách du lịch muốn đến chụp ảnh, tìm hiểu về nghề nuôi cừu cũng như những phong tục, tập quán của dân du mục địa phương.
Với mô hình kinh tế trang trại kết hợp với làm du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách tham quan, là điểm đến lý tưởng cho khách địa phương và du khách ngoài tỉnh. Do đó, việc phát triển loại hình này cũng là giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi dê, cừu phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Sản phẩm thịt dê Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận”, sản phẩm thịt cừu được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ “Ninh Thuận” nhằm khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm đặc thù của địa phương.