Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung đã xây dựng liên kết, thực hiện hồ sơ để được xuất khẩu chính ngạch yến sào Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc.
Liên kết để xuất khẩu
Chất lượng tổ yến tại Đắk Lắk được đánh giá cao, tuy nhiên đầu ra chưa ổn định. Một doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng của mặt hàng này nên muốn xây dựng thương hiệu yến sào Đắk Lắk để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi yến tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) có liên kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung vui mừng khi những thủ tục cuối cùng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được hoàn thành.
Để chuẩn bị cho xuất khẩu chính ngạch, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung đã liên kết với hàng chục hộ dân có trên 40 nhà yến tại Đắk Lắk, Gia Lai.
Chị H’Mó H’Loan (ngụ xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình nuôi yến từ năm 2018. Đến nay, 3 tháng gia đình chị H’Mó H’Loan thu hoạch 1 lần sản lượng được 4kg.
Theo chị H’Mó H’Loan, yến càng nuôi lâu thì sản lượng sẽ càng cao. “Gia đình mới nuôi được hơn 5 năm nên sản lượng ít. Hiện sản phẩm đang được bán lẻ với giá thành hơn 30 triệu đồng/kg khi được làm sạch. Tuy nhiên yến của gia đình chưa có đầu ra ổn định mà bán trôi nổi trên thị trường”, chị H’Mó H’Loan nói.
Chị H’Mó H’Loan cho biết thêm, trước thông tin xuất khẩu, gia đình được giới thiệu và biết đến Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung. Hiện gia đình đã làm các thủ tục để liên kết, sản xuất yến theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Khi liên kết chưa cần biết giá như thế nào nhưng có đầu ra để mặt hàng ổn định. Khi được công ty vận động và hợp tác liên kết để xuất khẩu, gia đình đã nhận được nhiều hỗ trợ từ doanh nghiệp. Hiện chất lượng yến sào Đắk Lắk hơn những nơi khác. Gia đình cũng có một nhà yến ở Gia Lai nhưng tổ yến không đẹp bằng ở Đắk Lắk. Do đó gia đình cũng mong muốn xây dựng thương hiệu yến Đắk Lắk để xuất khẩu”, chị H’Mó H’Loan nói thêm.
Tương tự, ông Bùi Văn Thức (ngụ thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cũng có 2 nhà yến đang cho thu hoạch. Theo ông Thức, hiện nay một căn đang cho thu hoạch hơn 79 kg/năm, căn còn lại mới đưa vào thu hoạch nên sản lượng chưa nhiều.
“Hiện đầu ra sản phẩm đang bán chủ yếu ở địa phương. Thời gian qua tôi cũng cùng một số đoàn xúc tiến thương mại của địa phương đi giới thiệu ở các tỉnh phía Bắc nhưng đầu ra vẫn bấp bênh”, ông Thức nói.
Ông Thức cho biết thêm, yến sào Đắk Lắk có thương hiệu, chất lượng sản phẩm chỉ thua Khánh Hòa và còn hơn nhiều địa phương khác vì yến Đắk Lắk có hàm lượng dinh dưỡng cao.
“Trước giờ người dân tự nuôi tự bán. Khi có doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch thì rất mừng, đầu ra cho sản phẩm sẽ ổn định hơn. Nếu xuất khẩu được thì đây là tin vui vì yên tâm đầu ra. Giá yến hiện nay tốt nhưng sau này yến nhiều thì giá sẽ giảm. Do đó nếu xuất khẩu chính ngạch đầu ra sẽ ổn định hơn”, ông Thức chia sẻ.
Theo ông Thức, nuôi yến có 4 yếu tố là âm, ẩm, sáng và khí. Nếu chủ nhà không đáp ứng được 4 yếu tố này việc nuôi yến sẽ không thành công. “Kỹ thuật nuôi yến rất quan trọng. Nếu không dễ thất bại. Việc liên kết sẽ giúp người dân được truyền đạt kỹ thuật, phương thức nuôi. Đặc biệt là đầu ra ổn định, giá cả tốt”, ông Thức chia sẻ thêm.
Xây dựng thương hiệu yến sào Đắk Lắk
Bà Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung cho biết, doanh nghiệp bắt đầu xây dựng nhà yến từ năm 2015. Đến nay, Thành Dung có các sản phẩm về yến như yến tinh chế, yến hủ và mới đây cho ra thị trường sản phẩm sữa chua yến sấy thăng hoa. Doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu đưa ra sản phẩm yến tươi sấy thăng hoa.
“Gia đình xây dựng sản phẩm OCOP năm 2021 và được chứng nhận 3 sao. Đến năm 2022 nâng cấp lên sản phẩm 4 sao. Gia đình đã nuôi yến hơn 10 năm nhận thấy tiềm năng phát triển ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng rất thuận lợi. Chất lượng, mùi thơm cũng như sợi yến Đắk Lắk khi ăn vào có độ dai, thơm. Yến sào Đắk Lắk có chất lượng khác, có thể nói hơn những vùng khác. Lâu nay, sản phẩm của đơn vị chưa xuất khẩu đi chính ngạch sang các quốc gia. Tuy nhiên một số khách hàng đã đưa sản phẩm của công ty đến các quốc gia khác bán. Nhiều khách hàng đã biết đến yến sào Thành Dung”, bà Phạm Thị Phương Dung tự hào.
Nữ chủ tịch HĐQT cho biết thêm, sau khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, công ty đã bắt tay vào xây dựng hồ sơ. Hiện Công ty Thành Dung đã đăng ký tài khoản với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
“Hồ sơ thiết lập nhà yến và nhà yến liên kết đã được Cục Thú y xét duyệt gửi cho phía Trung Quốc kiểm tra. Công ty đang liên kết với hơn 40 nhà yến trên địa bàn huyện Krông Pắc và một số địa phương khác, sản lượng yến khoảng 6 tấn/năm”, nữ chủ tịch HĐQT nói thêm.
Theo bà Dung, khi liên kết, doanh nghiệp đã hướng dẫn kỹ thuật làm sao cho các hộ đảm bảo được chất lượng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng tạo điều kiện, hỗ trợ những gì mà người dân còn thiếu.
“Tây Nguyên mới chỉ có Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung thực hiện các bước để xuất khẩu yến. Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn hợp tác, mở rộng liên kết với những hộ dân nuôi yến.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng hồ sơ xuất khẩu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hiện tại mặt hàng yến được coi là thực phẩm tiêu dùng nên việc xây dựng các hồ sơ phức tạp. Vấn đề quan trọng trong xuất khẩu là kiểm soát được dịch bệnh như H5N1 hay các loài dịch bệnh khác trên vật nuôi. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng có những hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục để doanh nghiệp đẩy nhanh việc xuất khẩu”, nữ lãnh đạo này thông tin.
Theo bà Dung, vừa qua doanh nghiệp đã sang Trung Quốc thăm và ký kết hợp tác xuất khẩu. Trước mắt, công ty đối tác không đặt quá nhiều về sản lượng vì phụ thuộc vào năng lực. Ban đầu đối tác tạo điều kiện là cho xuất khẩu theo năng lực. Sau đó xuất khẩu ổn định thì đối tác sẵn sàng hợp tác đầu tư, mở thêm nhà máy tại Việt Nam.
Doanh nghiệp tập trung vào 3 mặt hàng chính là yến tinh chế, yến rút đông khô và yến thẻo. Doanh nghiệp chưa đi vào các mặt hàng tinh chế, sẽ lựa chọn những sản phẩm là thế mạnh để xuất khẩu.
Khi mở được thị trường, sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng để phát triển. Doanh nghiệp mong muốn xây dựng được thương hiệu yến Đắk Lắk để xuất khẩu. Khi đi được chính ngạch người nuôi yến mới có đầu ra ổn định được”, bà Dung nói.
Theo khảo sát, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1.000 nhà nuôi yến, xuất hiện tập trung chủ yếu tại TP Buôn Ma Thuột, các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Búk… Dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện nay nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là tự phát, chưa có mối liên kết chặt chẽ, chia sẻ thông tin giữa người nuôi với nhau, giữa người nuôi với các cơ sở thu mua chế biến, một số bất cập về chất lượng tổ yến, thiết bị nhà yến, môi trường…, còn thiếu thông tin kỹ thuật, thị trường, chính sách của nhà nước.