Giải bài toán nước sạch cho nuôi tôm

Để nuôi tôm siêu thâm canh nhất thiết phải giải được bài toán về môi trường. Bên cạnh đầu tư hạ tầng thủy lợi của Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân cần chuẩn hóa các mô hình nuôi hiệu quả theo các quy mô khác nhau để nhân rộng.

nha-tom-3_1690008021
Nuôi tôm siêu thâm canh đem lại năng suất cao vượt trội nhưng đi kèm đó là các vấn đề về môi trường cần kiểm soát và giải quyết triệt để từ khâu quy hoạch, thủy lợi đến thực thi tại các trại nuôi. Ảnh: Q.ĐỊNH

Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, hiến kế giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nêu tại hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" ở Bạc Liêu vào ngày 21-7 do báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức.

Nhận diện "thủ phạm" gây ô nhiễm

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Thiều – chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – cho biết những năm gần đây nghề nuôi tôm ngày một phát triển, từ đó tạo nên thách thức về môi trường. Nếu chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt không xử lý ô nhiễm và xả thải sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai.

dang-van-ngoc_169000782515785494969061897409Ông Đặng Văn Ngọc – giám đốc HTX 30/4 tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Quang Định

Ông Đặng Văn Ngọc, giám đốc Hợp tác xã 30 Tháng 4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), cho biết trước đây nuôi tôm rất dễ vì môi trường sạch. Tuy nhiên, từ khi có phong trào nuôi tôm siêu thâm canh với việc thay nước nhiều, cho tôm ăn nhiều, mật độ nuôi cao đã gây ra áp lực lớn đến môi trường nuôi, nhất là chất thải.

Trước kia cho tôm ăn chỉ 100kg, nay cho ăn 1 tấn mà tôm chỉ hấp thụ 40%, còn lại 60% thải ra môi trường. Ngoài ra, nhiều nhà máy chế biến, sơ chế tôm không xử lý tốt chất thải, nước thải rồi đổ ra môi trường, người dân trong khu vực phải gánh chịu.

Ông Phạm Văn Thiều khẳng định môi trường là yếu tố sống còn trong ngành tôm. Do đó thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành công nghiệp tôm phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng nuôi tôm siêu thâm canh dù diện tích không lớn nhưng đã tạo ra những bất cập lớn về môi trường. Các địa phương muốn có vùng nuôi tập trung, nhưng do không có quy hoạch bài bản, lại thiếu cơ chế chính sách để thực hiện mục tiêu này.

Tìm mô hình mẫu "sống chung" với hạ tầng yếu

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất phải tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi cho ĐBSCL, nhất là vùng bán đảo Cà Mau, tuy nhiên trước khi có sự đầu tư này, người dân cũng cần tự tìm cách "sống chung" một cách hiệu quả nhất.

Ông Lê Văn Sử cho rằng việc đầu tư hạ tầng thủy lợi là rất cần trong bối cảnh hiện nay. Trước mắt nên có dự án thí điểm bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi một cách đồng bộ, tập trung để những người có nguyện vọng nuôi tôm siêu thâm canh đăng ký vào nuôi.

Tuy nhiên, ông Sử cũng lưu ý trong bối cảnh hạ tầng thủy lợi còn yếu kém và Nhà nước chưa đầu tư được như mong muốn, người dân và doanh nghiệp có thể áp dụng triệt để việc xử lý nước trong khuôn viên hộ nuôi. Bằng việc thiết kế ao nuôi tốt sẽ giúp hộ nuôi giải quyết được bài toán ô nhiễm trước mắt, đồng thời cũng giúp chính quyền trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

vo-quang-huy_16900078961885157539405168042Ông Võ Quan Huy – chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng. Ảnh: Quang Định

Ông Võ Quan Huy, chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), đề xuất cần đưa ra những mô hình nuôi tốt rồi xây dựng thành quy chuẩn nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao nhằm bảo vệ môi trường.

Ông Hồ Quốc Lực – tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) – chia sẻ doanh nghiệp này đang nuôi siêu thâm canh hơn 500ha tôm. Công ty đã có giải pháp xử lý môi trường để hạn chế tối đa tiêu cực với hộ dân xung quanh.

Đó là sử dụng vi sinh xử lý chất thải, nước thải và chừa một diện tích rất lớn trong tổng diện tích nuôi để làm khu lắng cặn, hạn chế chất thải ra môi trường. "Hội thảo này nâng dần ý thức chúng tôi hơn, chúng tôi cố gắng tìm giải pháp tốt hơn nữa để nước đầu ra đạt quy định chung", ông Lực bày tỏ.

Tuổi Trẻ
Đăng ngày 23/07/2023
C. Quốc, N. Trí, K.T.M, T. Huyền
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận