Hiện nay, vùng ven biển của các tỉnh trong nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, cùng với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá,…
Kế đó, ốc hương là một đối tượng nuôi mới, mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng trong nuôi trồng thủy sản tạo ra giá trị kinh tế gia tăng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Điều kiện vùng nuôi
– Ao nuôi ở vùng quy hoạch hoặc được chấp thuận của cơ quan thẩm quyền.
– Vùng nước trong sạch, chất đáy cát hoặc cát san hô, ít bùn, độ mặn ổn định 25 – 35‰.
– Nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi nước ngọt do tác động của nước sông vào mùa mưa.
– Nếu trong ao có đăng chắn thì đăng phải làm chắc chắn, có lưới bảo vệ bên ngoài không cho cá dữ, cua ghẹ lọt vào ăn ốc. Đăng nuôi phải chôn sâu xuống dưới cát ít nhất 10 cm để tránh ốc chui ra ngoài, độ cao lưới cắm đăng phải vượt qua mức nước triều cao nhất 1 m.
Chọn và thả giống
Chọn giống
– Chọn những con giống không có dấu hiệu bị bệnh như: sưng vòi, mòn vỏ và đỉnh vỏ,…
– Ốc có màu sắc tươi sáng, vân trên vỏ rõ ràng, vỏ cứng và đỉnh vỏ không bể.
– Ốc khỏe mạnh, trạng thái hoạt động bình thường: bò lên nhanh khi cho ăn và vùi xuống cát khi ăn xong, khi mới bắt lên toàn bộ ốc phải khép vỏ.
– Kích cỡ giống: tối thiểu đạt 8.000 – 10.000 con/kg trở lên.
Thả giống
– Giống thường được vận chuyển bằng phương pháp đóng kín (túi nilon bơm oxy cỡ 0,5 × 0,2m), bỏ trong thùng xốp.
– Trong quá trình vận chuyển giữ nhiệt độ 25 – 26oC, thường 2 – 4 vạn trong 1 túi.
– Trước khi thả, đổ giống ra thau sau đó cho nước từ từ vào thau để ốc thích nghi dần với môi trường mới, khoảng 20 – 30 phút sau đó thả ốc.
– Sau khi thả ốc khoảng 2 – 3 giờ tiến hành kiểm tra, thấy ốc vùi mình hết 70% là được.
– Mật độ thả 500 con/m2.
Cho ăn và chăm sóc
Cho ăn
– Thức ăn dùng nuôi ốc là: cá, cua, ghẹ, trai nước ngọt, don, sút, …
– Cho ăn mỗi ngày 1 lần vào lúc chiều tối, thức ăn phải tươi, không ương thối. Cá không quá nhỏ, để nguyên con thả vào con ăn; trai, sút, sò, hàu, … đập vỡ vỏ; cua, ghẹ lột mai, đập bể càng trước khi cho ăn.
– Lượng cho ăn hàng ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc nuôi có trong ao.
Chăm sóc
– Theo dõi lượng thức ăn hàng ngày, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường do thức ăn thừa gây ra. Vớt toàn bộ thức ăn thừa, xương, đầu cá, vỏ sò, … ra khỏi ao.
– Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra lưới, phát hiện kịp thời thiên địch và làm vệ sinh lưới để nước lưu thông.
– Trường hợp nuôi lâu đáy quá bẩn, có mùi hôi, ốc không ăn và yếu dần, cần vệ sinh đáy ao thường xuyên.
Phòng bệnh
– Bệnh chết hàng loạt là hiện tượng xảy ra phổ biến ở các trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Ốc bò lên bề mặt nền đáy, bỏ ăn và chết nhanh sau 1 đến 2 ngày, dấu hiệu kèm theo là vòi lấy thức ăn của ốc lòi ra, sưng tấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng hợp các tác nhân gồm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển trong điều kiện môi trường nước bị ô nhiễm. Hiện nay chưa có biện pháp trị bệnh hiệu quả do chưa xác định tác nhân chính.
– Để hạn chế bệnh này, trước hết phải quản lý môi trường nuôi sạch sẽ, chú trọng nguồn giống và chất lượng giống nuôi. Ngoài ra nên bổ sung một số loại vitamin như C, B1, … vào trong thức ăn để ốc sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.
Thu hoạch
– Tùy điều kiện môi trường nuôi và quá trình chăm sóc, sau khoảng 6 tháng thì thu hoạch thương phẩm.
– Khi ốc đạt kích cỡ 90 – 150 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Ốc sau khi thu hoạch cần nhốt trong giai (lồng treo) hoặc bể 1 – 2 ngày để làm sạch bùn đất và trắng vỏ trước khi bán ra thị trường.