Kỳ vọng nuôi biển công nghệ cao

Nuôi trồng thủy sản trên biển sử dụng lồng HDPE theo công nghệ hiện đại là hướng phát triển phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại ngành thủy sản của tỉnh. Bên cạnh khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư, tỉnh đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực này.

nuoi-long-be-2_1690536636
Nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh hầu hết theo phương thức truyền thống, vật liệu chưa đáp ứng yêu cầu làm cho người dân gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Năm 2022, Công ty TNHH Super Trường Phát Minh Quang đề xuất thực hiện dự án Nuôi trồng thủy sản trên biển kết hợp với du lịch tại khu vực biển phía tây hòn Bàn Than, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Dự án có quy mô 50ha, đầu tư trang trại nuôi biển công nghiệp bằng lồng bè HDPE đối với cá bớp và rong biển. Công suất thiết kế 1.000 tấn cá bớp/năm, 30 tấn rong sụn thành phẩm/ha mặt biển/năm.

Tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng. Đây là dự án nuôi biển gần bờ quy mô công nghiệp đầu tiên, sử dụng công nghệ hiện đại được nhà đầu tư đề xuất thực hiện trên địa bàn tỉnh. Dự án này phù hợp với mục tiêu Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định vị trí, ranh giới khu vực biển làm cơ sở giao mặt nước biển…

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, mới đây, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát hiện trường xác định vị trí, tọa độ. Qua đó, thống nhất khu vực biển sử dụng cho dự án gần 42,4ha và diện tích trên bờ, để đầu tư hạ tầng phục vụ logistics, hậu cần nuôi biển và nghề cá; kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét cho phép nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Công ty TNHH Super Trường Phát Minh Quang về việc lắp đặt thí điểm 1 – 2 lồng trên biển nhằm đánh giá hiệu quả, tính ổn định, bền vững của việc đầu tư nuôi lồng bè trên vùng biển hở. Thời gian lắp đặt dự kiến thực hiện vào tháng 9/2023, để đánh giá tính bền vững và phù hợp của lồng HDPE khi nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão tại khu vực dự án. Với sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cơ quan liên quan đã kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” của dự án, mở ra kỳ vọng cho ngành nuôi biển công nghệ cao của tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó có Quảng Ngãi sở hữu bờ biển dài, diện tích mặt nước ở vùng biển gần bờ và xa bờ nhiều nên có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi biển công nghiệp. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” trong nuôi biển của tỉnh là quy mô nhỏ, sử dụng lồng bè gỗ nên người nuôi đối diện với nhiều rủi ro, thiệt hại, nhất là trong mùa mưa bão. “Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân, cũng như DN đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, sử dụng lồng bè HDPE, áp dụng công nghệ và quy trình nuôi hiện đại.

Việc thu hút DN có tiềm lực đầu tư công nghệ hiện đại, lồng bè, công trình nuôi có khả năng chịu đựng được sóng gió lớn, gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế xung đột với không gian phát triển của các ngành khác là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2021 – 2025”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.

Sau Công ty TNHH Super Trường Phát Minh Quang, Sở NN&PTNT nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến việc giao diện tích mặt nước, tín dụng dành cho người dân, DN đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường kết nối DN với người nuôi để phát triển ngành nuôi biển theo chuỗi giá trị gia tăng.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 1.500 lồng bè nuôi biển, tạo ít nhất 1 chuỗi liên kết sau thu hoạch và ít nhất 1 dự án nuôi biển trên vùng biển hở, vùng biển xa bờ quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.  

Báo Quảng Ngãi
Đăng ngày 29/07/2023
Mỹ Hoa
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận