TP.HCM Lượng cá quá nhiều cùng nhiều điều kiện bất lợi khiến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không phải là nơi lý tưởng để thả cá phóng sinh vào dịp lễ Vũ Lan năm nay.
Từ nhiều ngày nay, dù chưa đến ngày rằm tháng 7 âm lịch (hay Lễ Vu Lan báo hiếu – là ngày lễ lớn của Phật Giáo Việt Nam) nhưng đã có người mang cá ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè phóng sinh. Đây là thói quen của người dân TP.HCM vào mỗi dịp lễ quan trọng, gắn với các phong tục tập quán Việt Nam.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các Sở ban ngành tại TP.HCM đã liên tục kêu gọi người dân không nên thả cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Hành động này nhằm ổn định đàn cá và tránh xảy ra tình trạng quá tải, khiến cá chết nổi trắng mặt kênh mỗi khi thời tiết bất lợi.
Theo ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản TP.HCM, hiện nay mật độ cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khá lớn. Đặc biệt, vào các ngày rằm, mùng một (âm lịch) hàng tháng cũng luôn có người đến phóng sinh cá trên dòng kênh này. Do đó, với số lượng cá khổng lồ như thế, dòng kênh hiện đang quá tải.
“Hiện tốc độ sinh sản của nhiều loài cá như rô phi, cá chép, diêu hồng trên tuyến kênh này rất nhanh khiến dòng kênh bị ngộp thở. Ngoài ra, lượng bùn bồi lắng trên kênh Nhiêu Lộc đang rất lớn, gây khó khăn cho việc sinh trưởng của cá”, ông Cường thông tin.
Tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trải dài hơn 10km từ quận Phú Nhuận đến quận 1 của TP.HCM. Theo ước tính, lượng cá trên tuyến kênh này luôn đạt ở mức vài trăm tấn cá các loại.
TP. HCM từng có kế hoạch tỉa bớt và từng xé nhỏ đàn cá, đưa ra sông Sài Gòn để lượng cá còn lại có thêm không gian sinh sống. Theo đó, khoảng giữa năm 2017, Sở NN-PTNT đã chuyển 6 tấn cá từ kênh Nhiêu Lộc ra sông Sài Gòn.
Sau những cơn mưa lớn, người dân hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè xót xa, thường xuyên chứng kiến cảnh cá chết nổi trắng kênh. Theo TS. Nguyễn Văn Trai, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, nguyên nhân được cho là do mưa lớn đẩy nước thải chứa nhiều tạp chất xuống kênh khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, điều này không chỉ gây thương xót cho đàn cá, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, chi phí trục vớt và tiêu hủy cá chết… Chưa kể, sau mỗi lần cá chết, TP.HCM đều phải khử khuẩn tuyến kênh bằng cách sử dụng hóa chất để xử lý môi trường nước, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Do những hậu quả trên, bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM kêu gọi mỗi người nên ý thức hạn chế việc phóng sinh.
“Nếu có phóng sinh , xin thả tại những con sông lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… chứ đừng thả thêm cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Chỉ cần một hành động nhỏ là mỗi người đã góp được một bàn tay thiết thực vào việc bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta”, bà Thu bày tỏ.
Thượng tọa Thích Thiện Hảo, Trụ trì chùa Hội Sơn (TP Thủ Đức) khuyên các Phật tử, ngoài việc lựa chọn những loài thủy sinh bản địa, đúng theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT quy định thì chọn nơi để thả cũng thể hiện trí tuệ theo đúng tinh thần của Phật giáo.
“Không phải cứ phóng sinh là thả cá mà không quan tâm đến những điều khác. Thả cá là đưa chúng đến môi trường tốt hơn để hi vọng về sự sinh sôi, nảy nở… Chúng tôi cũng luôn khuyến cáo các Phật tử không nên thả ở những kênh mương có diện tích nhỏ, ô nhiễm và ít cơ hội sống. Ngoài việc nên thả những con giống có kích cỡ nhỏ để tránh tận diệt thì Phật tử nên thả ở những nơi giữa dòng, dòng chảy ổn định”, Thượng tọa Thích Thiện Hảo khuyên.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từng được xem là dòng kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn vì nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Cuối năm 2011, kênh được nạo vét và làm sạch. Để tái tạo môi trường nước, tạo không khí trong lành, hơn một triệu con cá được người dân và chính quyền TP. HCM thả xuống kênh. Tuy nhiên, kênh vẫn hứng chịu hơn 10 tấn rác mỗi ngày cùng với người câu cá đe dọa sự hồi sinh của dòng kênh.
Không nên phóng sinh các sinh vật thủy sinh có tên trong danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại được quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đây: Ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, tôm càng đỏ, cá ăn muỗi, cá tỳ bà, rùa tai đỏ, cua xanh, sao biển Nam Thái Bình Dương, sên sói tía, tôm hùm nước ngọt, trai Địa Trung Hải, cá chim trắng toàn thân, cá hổ, cá hồi nâu, cá hoàng đế, cá rô phi đen, cá trê phi, cá vược…