Người nuôi dễ dàng bắt gặp tình trạng ao xuất hiện một lớp màng nhớt trên bề mặt ao tôm. Có nhiều trường hợp lớp màng này sẽ nhanh chóng tan đi, nhưng cũng có không ít trường hợp lớp màng này không tan, gây ảnh hưởng xấu cho môi trường ao.
Màng sinh học là gì?
Màng sinh học là một tập hợp các tế bào vi sinh vật liên kết với một bề mặt và được bao bọc trong một chất nền chủ yếu là polysaccharide. Nó có thể hình thành trên nhiều loại bền mặt, bao gồm mô sống, thiết bị, dụng cụ hoặc các hệ thống thủy sinh tự nhiên. Có thể quan sát thấy nhiều sinh vật đa dạng như tảo, vi khuẩn, động vật nguyên sinh, động vật chân đốt,… trong tập hợp màng sinh học này.
Các vi khuẩn trong màng sinh học có đặc điểm khác biệt và được cải tiến hoàn toàn. Chúng có thể gia tăng sức đề kháng với kháng sinh, tạo ra độc lực gây bệnh mạnh hơn, khả năng sống sót cao hơn.
Các biểu hiện gene của vi khuẩn liên quan đến kiểu hình đề kháng khác thường của vi khuẩn sống trong màng sinh học. Lớp màng sinh học ngăn chặn sự thâm nhập của kháng sinh, hóa chất đa phân tử sâu hơn vào bên trong. Có thể nói màng sinh học là pháo đài bảo vệ của vi khuẩn.
Màng sinh học trong nuôi tôm
Cấu trúc màng sinh học trong môi trường nước phụ thuộc vào bản chất của nền đáy nguồn dinh dưỡng sẵn có ánh sáng và hoạt động của các sinh vật trong đó. Các sinh vật trong màng sinh học có kích thước siêu nhỏ và có giá trị dinh dưỡng cao. Đây được coi là nguồn protein chất lượng tốt, bền vững (23-30%) và dễ dàng xuất hiện ở mọi kích thước của các loài thủy sản nuôi.
Vi tảo và vi khuẩn dị dưỡng trong màng sinh học là nguồn năng lượng tốt hỗ trợ tăng cường miễn dịch, kích thích tăng trưởng, tăng hoạt tính sinh học và kích thích tiêu hóa cho vật nuôi. Sự hiện diện của màng sinh học trong các hệ thống nuôi cũng giúp cải thiện chất lượng nước về hấp thụ amoni, và sản xuất nhiều oxy.
Các sinh vật trong màng sinh học có kích thước siêu nhỏ
Sự hình thành màng sinh học trải qua 5 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Sự bám dính có thể đảo ngược của tế bào vi khuẩn trên bề mặt
– Giai đoạn 2: Sự bám dính không đảo ngược của tế bào vi khuẩn trên bề mặt
– Giai đoạn 3: Tạo thành khuẩn lạc và bắt đầu tạo thành màng sinh học
– Giai đoạn 4: Màng sinh học phát triển đầy đủ cấu trúc không gian ba chiều
– Giai đoạn 5: Sự rời và phân tán của các tế bào vi khuẩn khỏi màng sinh học dưới dạng tự do
Các vi khuẩn được tách ra từ giai đoạn 5 có sức mạnh vượt trội sau khi “được cải tiến” trong màng sinh học so với các vi khuẩn Vibrio tự do khác.
Màng sinh học có hại cho ao nuôi không?
Có thể nói, màng sinh học có lợi và cũng có hại. Nếu người nuôi có thể kiểm soát tốt chúng có thể là một vũ khí để bảo vệ vật nuôi. Nhưng ngược lại, nếu không được, các vi khuẩn có trong màng sinh học sẽ gây nguy hiểm cho vật nuôi rất nhiều.
Màng sinh học tạo ra nhớt bọt, chúng lại được tạo ra từ tập đoàn vi khuẩn vibrio, có độc lực cực mạnh, có mật độ cao, sức đề kháng mạnh, có khả năng kháng khuẩn và kháng kháng sinh,… trên bề mặt chất liệu (bạt, nhá,…)
Nhớt bạt là môi trường nền thuận lợi cho vi khuẩn vibrio, rong tảo, nấm đồng tiền,.. sinh trưởng và phát triển. Nhớt bạt nhiều thì khả năng hình thành nấm đồng tiền càng nhiều và nguy cơ gây bệnh đường ruột cho tôm nuôi cao hơn.
Tôm là loài thích ăn nhớt bạt, do đó tôm dễ ăn phải các vi khuẩn gây hại. Nếu ăn phải tôm sẽ bị rối loạn chức năng tiêu hóa, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ức chế tiêu hóa thức ăn gây đường ruột, gan tụy, mềm vỏ, ốp thân,… Đặc biệt nguy hiểm nhất đó chính là bệnh phân trắng trên tôm.
Màng sinh học tạo ra nhớt bọt gây hại cho ao nuôi
Biện pháp để cải thiện ao hình thành màng sinh học gây hại cho tôm
Đối với trường hợp này bà con nên thường xuyên kiểm tra vi khuẩn Vibrio định kỳ trong môi trường ao nuôi và cần khống chế mật độ của chúng nếu vượt quá 1000 cfu/ml.
Nên sử dụng các loại hóa chất có khả năng oxy hóa cao nhưng phải tuyệt đối an toàn cho tôm
Quản lý thức ăn dư thừa, xi phông đáy đinh kỳ, quản lý chất lượng nước tốt để tránh ô nhiễm từ đó giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại
Xử lý môi trường bằng cách sử dụng các chế phẩm enzyme và chế phẩm vi sinh để phá vỡ liên kết hình thành nhớt bạt, giảm ô nhiễm, cạnh tranh lấn át vi sinh vibrio.
Vì vậy, bà con nên chú ý quan sát ao nuôi thường xuyên để có thể can thiệp xử lý kịp thời nếu ao tôm xuất hiện hiện tượng hình thành màng sinh học gây hại cho tôm một cách nhanh chóng nhất.