Ngành tôm phải giữ được thế mạnh chế biến

Ngành tôm Việt Nam có một thế mạnh lớn là trình độ chế biến ở vào đẳng cấp cao nhất của thế giới. Vì vậy, ngành tôm phải giữ vững được lợi thế này.

nganh-tom-phai-giu-duoc-the-manh-che-bien-061704_380

Một sản phẩm tôm chế biến sâu của Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Lâu nay, trên thị trường tôm thế giới, tôm Việt Nam thường gặp nhiều bất lợi do giá thành cao hơn tôm nhiều nước khác, nhất là tôm Ecuador và Ấn Độ. Theo Cơ quan Các dịch vụ nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong quý 1 năm nay, giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ bình quân 10,7 USD/kg. Trong khi đó, giá bình quân tôm nhập khẩu từ Ấn Độ là 8,2 USD/kg, tôm Ecuador là 6,7 USD/kg.

Do bất lợi về giá thành, trong những năm qua, để cạnh tranh được trên thị trường thế giới, ngành tôm Việt Nam đã tập trung vào những sản phẩm thế mạnh là tôm cỡ lớn và tôm chế biến sâu.

Tuy nhiên, theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, năm nay, giá tôm cỡ lớn xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 30%. Nguyên nhân là do nhiều nước khác cũng đã đẩy mạnh phát triển nuôi tôm đạt kích cỡ lớn khiến cho sản lượng tôm cỡ lớn tăng lên.

Một thế mạnh nữa của ngành tôm Việt Nam là năng lực chế biến. Ở lĩnh vực chế biến tôm, trong 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, thì đạt đến trình độ chế biến cao nhất là chế biến sâu, hiện chỉ mới có Việt Nam và Thái Lan. Nhờ vậy, dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ bởi tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Ecuador, trong những năm qua, tôm Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí là chiếm thị phần lớn nhất tại nhiều thị trường khó tính.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ở thị trường Úc, trong 8 tháng đầu năm 2022, tôm chế biến chiếm tới 40% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Úc. Với tỷ trọng như trên, tôm chế biến đã góp phần quan trọng giúp cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Úc đạt 272 triệu USD trong năm 2022, tăng tới 44% so với năm 2021 và tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong tôm nhập khẩu vào Úc.

Hay tại thị trường Nhật Bản, trong nhiều năm qua, tôm Việt Nam luôn chiếm được thị phần lớn nhất, trong đó có đóng góp không nhỏ từ các sản phẩm chế biến sâu. Thị trường Nhật Bản đòi hỏi kỹ thuật chế biến tinh tế, tỉ mỉ phù hợp năng lực chế biến của các doanh nghiệp tôm Việt Nam.

bb-4-060711_3319855809317651817879

Tôm mới thu hoạch ở Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

VASEP cho biết, các sản phẩm tôm Việt Nam chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản giữ được ưu thế hơn so với các thị trường khác. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật các sản phẩm như tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh…

Cũng theo TS Hồ Quốc Lực, ngay cả trong nửa đầu năm nay, dù xuất khẩu tôm nói chung gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tại các thị trường lớn, ở phân khúc sản phẩm chế biến sâu, tôm Việt Nam vẫn đang chiếm thị phần lớn nhất.

Tuy vậy, các nước xuất khẩu tôm lớn khác cũng đang nỗ lực để nâng cao năng lực chế biến tôm. Do đó, TS Hồ Quốc Lực cho rằng, ngành tôm Việt Nam không thể dừng lại ở trình độ chế biến hiện tại mà phải có chiến lược về sản phẩm để có bước phát triển cao hơn nữa. Ví dụ bây giờ, trong chế biến tôm có dạng phối chế với mức độ phức tạp cao hơn nhưng thu hút được nhiều khách hàng hơn. Có những phân khúc thị trường mà ngành tôm Việt Nam đã đi trước, và có thể nói là ở vị thế gần như độc quyền, thì cũng cần tiếp tục được củng cố, nâng cao để giữ vững được thị trường.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận