Phần mềm giúp đảm bảo tính chính xác nguồn gốc thủy sản và tinh giản được nhân lực trong công tác truy xuất khi thủy sản vào bờ…
Hiệu quả trông thấy
Ngày 12/6, tại Bình Định, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức hội thảo bàn giải pháp triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, vào năm 2017, Bộ NN-PTNT đã cấp kinh phí, giao Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) làm chủ đầu tư xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử giai đoạn I. Bước sang năm 2019-2020, Bộ NN-PTNT tiếp tục bổ sung kinh phí để ngành chức năng hoàn thiện phần mềm này nhằm đáp ứng các tiêu chí cũng như phù hợp với đặc thù nghề cá của Việt Nam.
Việc thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá trong nước gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp chế biển thủy sản xuất khẩu, cơ quan thẩm quyền tại địa phương và Trung ương với 6 bước triển khai, gồm: Quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
“Trong thời gian vừa qua, ngành thủy sản đã rất nỗ lực trong việc truy xuất nguồn gốc đối với các tàu khai thác trên biển về đến cảng cá và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều khó khăn, chính vì thế, ngành thủy sản mới phát triển hệ thống này”, ông Luân cho hay.
Cũng theo ông Luân, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được xây dựng trên nền tư vấn của các đơn vị chuyên môn, đã được thử nghiệm trên các tàu khai thác thủy sản, kết quả cho thấy rất khả quan. Sử dụng hệ thống, tính chính xác của các mẻ lưới khi khai thác trên biển được đảm bảo, hơn nữa, ngư dân còn được giảm nhân lực khi đăng ký tàu xuất, nhập bến.
Đặc biệt, khi tàu về đến cảng cá, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản tích hợp vào hệ thống quản lý của cảng, từ đó, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt, tiến tới chứng nhận của các Chi cục Thủy sản. Quá trình sản phẩm thủy sản đánh bắt từ khi cập cảng đến khi về đến nhà máy chế biến được giảm rất nhiều phần việc, kéo theo giảm được rất nhiều nhân lực mà vẫn đảm bảo tính chính xác trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Cũng theo ông Luân, Bình Định là địa phương hiện đang chiếm trên 50% số lượng tàu đánh bắt cá ngừ và chiếm trên 50% sản lượng cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ vây vàng mắt to (cá ngừ đại dương) của cả nước. Bình Định cũng là địa phương tiên phong áp dụng thử nghiệm nhật ký điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ để đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Việc triển khai thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử tại Bình Định bước đầu đã khắc phục được những bất cập trong quá trình ghi chép nhật ký bằng giấy. Tránh tình trạng nhiều chủ tàu không ghi nhật ký mà là “hồi ký” nên không đảm bảo tính chính xác.
“Áp dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử cũng là cách điện tử hóa toàn bộ giấy tờ truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt, đảm bảo đầy đủ thông tin chính xác, minh bạch để lộ trình xuất khẩu được thong dong. Đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất thời gian chờ giải quyết thủ tục hành chính, kiểm tra thông tin phản hồi từ nhà nhập khẩu, đặc biệt là nâng cao vị thế của thủy sản Việt Nam trên thế giới”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, chia sẻ.
Cần khẩn trương nhân rộng
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định , trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bình Định cũng đã áp dụng thử nghiệm phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản.
Ông Phúc cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, việc viết nhật ký khai thác trong ngư dân đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Từ chỗ hầu như ngư dân không viết nhật ký khai thác, hoặc là viết “hồi ký” chỉ để đối phó, bây giờ hầu hết ngư dân đã chấp hành nghiêm cẩn. Tuy nhiên, việc ngư dân viết nhật ký khai thác bằng tay đã bộc lộ nhiều bất cập, áp dụng nhật ký khai thác điện tử đã hóa giải tất cả những vướng mắc nói trên.
“Áp dụng nhật ký khai thác điện tử đã giúp cho các chủ tàu ghi chép đầy đủ, chính xác sản lượng đánh bắt, đặc biệt là ghi đúng tọa độ đánh bắt. Ghi nhật ký bằng tay có thể chính xác về sản lượng, nhưng tọa độ thì đánh bắt nơi này lại ghi nơi khác, khi truy xuất thiết bị giám sát hành trình mới thấy sai. Khi tàu về bờ, công tác xác nhận, chứng nhận mới thấy vất vả, tốn nhiều thời gian để điều chỉnh, nhưng chưa chắc đã chính xác hoàn toàn”, ông Phúc chia sẻ.
Được biết, từ năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, Bình Định là 1 trong những tỉnh tiên phong áp dụng nhật ký khai thác điện tử. Từ hiệu quả ban đầu, năm 2023, UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương triển khai 100 máy nhật ký khai thác điện tử cho tàu cá trên địa bàn.
“Trước tiên, chúng tôi triển khai nhật ký khai thác điện tử trên những tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, Bình Định hiện có khoảng 1.500 tàu đánh bắt nghề này. Khi đã áp dụng nhật ký khai thác điện tử, ngoài chủ tàu nhẹ được nỗi lo ghi chép không chính xác, công tác giám sát sản lượng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản của ngành chức năng cũng được nhẹ gánh. Cốt lõi là nhật ký khai thác điện tử đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban châu Âu trong công tác chống đánh bắt vi phạm IUU ”, ông Trần Văn Phúc cho biết thêm.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản: "Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử từ thử nghiệm đến triển khai rộng rãi sẽ còn gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trước mắt, ngành chức năng kỳ vọng vào sự quyết tâm của các địa phương, chủ tàu cá và các nghiệp đoàn nghề cá thì việc triển khai rộng rãi mới được thuận lợi, đây là điều kiện để ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý này trong thời gian tới.
Kết quả của việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử từ Bình Định sẽ được nhân rộng ra các địa phương để thủy sản đánh bắt có nguồn gốc minh bạch, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Hiện chúng tôi đang bàn với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình chia sẻ vị trí, tọa độ từ thiết bị này sang phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để đảm bảo tính chính xác của các mẻ lưới và những khu vực đánh bắt”.