Nỗ lực chuyển mình của logistics Việt

Logistics là mạng lưới vận chuyển trung gian đưa sản phẩm đến người tiêu dùng đang ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại. Ngành logistics Việt Nam đã có nhiều bước phát triển lớn, song chủ yếu vẫn phục vụ cho thị trường nội địa mà chưa góp phần giảm giá thành cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhất là ngành thủy sản.

Vai trò then chốt

Đại dịch thế kỷ COVID-19 và xung đột tại châu Âu đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của ngành logistics, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu. Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất/nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu… Trong xã hội hiện đại, ngành logistics còn ảnh hưởng, chi phối và có thể kiêm cả việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, bảo quản, đóng gói sản phẩm, tham gia vào chuỗi xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến về phát triển hệ thống logistics, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính riêng trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).  Việc phải chi phí quá nhiều cho lưu kho, vận chuyển… khiến sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường ảnh hưởng không nhỏ. Riêng năm 2021 chi phí Logistics chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10,6%.

Bà Trần Hoàng Yến, Phó Trưởng văn phòng đại diện VASEP mới đây cho biết, ngành thủy sản “đang gặp vấn đề lớn về việc thiếu kho lạnh, nhất là khi cao điểm hoặc khi gặp khó khăn về thị trường”. Hiện tại giá bán tôm của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ 2 USD/kg và cao hơn của Ecuador 4 USD/kg, nguyên nhân một phần từ dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện cao hơn nhiều nước.

ctv-1024×683-1

Theo thống kê của VLA, tốc độ phát triển ngành logistics tại Việt Nam đạt 14 – 16% với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: CTV

Gian nan cho doanh nghiệp xuất khẩu

Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đều ước tính chi phí logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp, đây là con số không hề nhỏ. Vài năm trước, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã nhập thiết bị về để xây dựng kho lạnh tại bến cảng, hướng tới chủ động xuất khẩu để giảm giá thành, nhưng sau mấy năm vận hành, kho lạnh thua lỗ và doanh nghiệp phải “tạm từ bỏ ý định” tham gia vào logistics.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 và hậu đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp logistics điêu đứng. Một chủ doanh nghiệp nói: “Chỉ trong vài năm hàng hóa xuất khẩu giảm sút, chi phí đầu vào tăng, chúng tôi đã thua lỗ mấy chục tỷ đồng và với quy mô một công ty nhỏ thì chúng tôi gần như đứng trước ngưỡng cửa phá sản”.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện có 43.568 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải kho bãi; có 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL (hậu cần bên thứ 3). Tuy nhiên, có đến 95% doanh nghiệp hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong quý I/2023, doanh số của các doanh nghiệp dịch vụ logistic giảm bình quân 15% và tới nay vẫn chưa thấy được dấu hiệu hồi phục.

Các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung đều lo ngại chi phí logistic sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong cao điểm đại dịch COVID-19 đã đẩy giá cước vận tải biển tăng 4 – 6 lần. Giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) dao động từ 1.600 – 2.500 USD/ container; giá cước đi Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 – 5.300 USD/container; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 -14.000 USD/ container (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động ở mức cao từ 19.000 – 22.000 USD/container… Phí chuyên chở container tăng đến 20%. Ước tính chi phí logistics cho nông sản tại Việt Nam đang chiếm 20 – 25% giá trị hàng hóa, trong khi đó các nước như Thái Lan chỉ chiếm 12% hay thế giới 14%.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới bất ổn, xuất khẩu khó khăn cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngành logicstic. Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, quý I/2023, sản lượng hàng hóa qua cảng biển giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Hàng xuất khẩu giảm 4%, đạt 42,6 triệu tấn; hàng nhập khẩu giảm 9% đạt 48,9 triệu tấn; hàng nội địa giảm 10%, đạt 73,5 triệu tấn và hàng quá cảnh giảm 7%, đạt 375.000 tấn.

Thu hút mọi nguồn vốn đầu tư

Ngành logistics sẽ cần thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư để không còn nhỏ lẻ manh mún và vươn ra tầm quốc tế.

Trong 28 doanh nghiệp logistics trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, có 11 doanh nghiệp lãi tăng, 11 doanh nghiệp lãi giảm, 3 doanh nghiệp chuyển lỗ, 2 doanh nghiệp chuyển lãi và 1 doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ.  Các doanh nghiệp logistics được chia thành ba nhóm chính là khai thác cảng, hỗ trợ vận tải kho bãi và vận tải đường thủy. Doanh thu thuần của ba nhóm này đạt gần 11.808 tỷ đồng; lãi ròng gần 1.097 tỷ đồng.

Nhìn chung, dù ngành logistics trong nước vẫn phát triển khá ổn định, nhưng mục tiêu giảm giá thành vận chuyển cho xuất khẩu vẫn còn nan giải, do hàng hóa xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa vào các hệ thống logistics của nước ngoài.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP khẳng định, ở góc độ logistics, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt với “5 tăng”. Đó là tăng cước tàu, tăng thời gian vận chuyển đường biển, tăng “booking” (đơn hàng đặt chỗ), tăng hoãn đơn hàng, tăng các loại phí. Đây là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp thủy sản.

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), với Dự án phát triển chuỗi logistics lạnh thông minh ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu dài hạn sau năm 2030 sẽ chuyển dịch được 50% sản lượng xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL từ thị trường Trung Quốc chuyển sang thị trường Châu Âu, Trung Đông…

Để có nguồn vốn phát triển, các ngành liên quan có đề xuất, đề nghị EU xem xét tài trợ xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.  Mới đây, mô hình trình diễn kho lạnh thông minh do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ đã khánh thành tại tỉnh Trà Vinh với tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD, tổng diện tích khoảng 1.000 m2.

Hy vọng với nỗ lực phát triển ngành logistics Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, phục vụ xuất khẩu, các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng sẽ được chắp thêm cánh để vươn xa trong thời gian tới.

>> Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đã khẳng định lại mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 – 6% (Quyết định 200 là 8 – 10%); tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Nguyễn Anh

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận