Nuôi kết hợp tôm sú và cá đối để tăng thêm thu nhập

Kết quả bước đầu ghi nhận mô hình rất phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất ở địa phương, giúp người nuôi tăng được sản lượng trên cùng một diện tích, từ đó tăng thu nhập và lợi nhuận, ổn định kinh tế hộ gia đình. Góp phần đa dạng hóa các đối tượng và hình thức nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, hướng đến mô hình nuôi tôm ổn định và bền vững.

nuoi-ket-hop_1688700486
Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp cá đối mục được triển khai nuôi thí điểm tại xã Hiệp Tùng và xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Mô hình được triển khai thử nghiệm tại 11 hộ nuôi thuộc 2 xã Hiệp Tùng và xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tổng lượng tôm sú giống thả 04 đợt là 2.640.000 post. Kết quả các ao nuôi trong giai đoạn 1 tôm phát triển tương đối tốt. Tỷ lệ sống bình quân giữa 11 hộ nuôi đạt 82%. Sau thời gian nuôi giai đoạn 1 từ 20 ngày trở lên thì tiến hành cho tôm dần ra ao nuôi giai đoạn 2 (thời gian cho tôm ra ao nuôi giai đoạn 2 trên dưới 10 ngày). Tổng số cá giống được thả là 66.000 con. Kết quả cho thấy tăng trọng trung bình ở vụ nuôi thứ nhất là 9,52 g/tháng và 8,65 g/tháng ở vụ nuôi thứ hai. Trọng lượng tôm nuôi đến thời điểm thu hoạch lớn nhất ở vụ 1 là 76 g/con, nhỏ nhất là 31,25 g/con và tôm nuôi ở vụ 2 lớn nhất là 67 g/con, nhỏ nhất là 30 g/con. Trọng lượng khi thu hoạch tôm ở vụ 1 đạt từ 13-32 con/kg và 14-33 con/kg ở vụ 2. Trong lượng cá đến thời điểm thu hoạch lớn nhất đạt 435g/con và nhỏ nhất đạt trọng 250g/con

ca-doi_1688700209Mô hình nuôi kết hợp giúp cho cá đối khi thu hoạch đạt sản lượng cao cùng với trọng lượng tương đối tốt. Ảnh: sieuthicatuoi.com

Kết quả hoạch toán hiệu quả mang lại từ dự án nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp cá đối mục cho thấy trong tổng số 11 hộ nuôi thực nghiệm thì đều thu được lợi nhuận. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi thực nghiệm này là tương đối cao. Phân tích hiệu quả mang lại từ mô hình cho thấy các hộ nuôi đều thu được lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận khá cao. Nếu so sánh với các loại hình nuôi khác như: tôm thâm canh, siêu thâm canh hoặc các hình thức nuôi độc canh tôm sú thì rủi ro sẽ cao hơn mô hình nuôi này. Đặc biệt là hai đối tượng này khi nuôi ghép sẽ bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh về thức ăn cũng như không gian sống, cá đối mục thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ nên khả năng làm sạch môi trường ao nuôi là rất tốt, giúp môi trường nuôi ổn định tạo điều kiện thuận lợi để tôm nuôi phát triển, hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích nuôi. Mặt khác, thị trường tiêu thụ hiện nay đang được mở rộng, giúp người dân yên tâm sản xuất. Từ kết quả trên cho thấy, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp cá đối mục rất có tiềm năng và triển vọng ở huyện Năm Căn nói riêng, Cà Mau nói chung. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì kết quả của mô hình nuôi này mang lại là hết sức thiết thực và hiệu quả, giúp những người nông dân có lựa chọn đúng đối tượng và hình thức nuôi phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của địa phương để tiếp tục sản xuất ổn định kinh tế gia đình.

Dự án đã thực hiện được: 

– 02 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp cá đối mục trên địa bàn huyện với hơn 60 lượt người tham dự. 

– Tỷ lệ sống của tôm nuôi ở giai đoạn 1 bình quân giữa các ao nuôi là 82%; Tỷ lệ sống tôm nuôi giai đoạn 2 là 14,07%; Năng suất tôm đạt trung bình là 500,18 kg/ha. Tỷ lệ sống của cá đạt trung bình giữa các ao nuôi là 60,11% và năng suất đạt 411,69 kg/ha. 

– Trong 11 hộ thực hiện dự án đều thu được lợi nhuận. Lợi nhuận bình quân là 95,540 triệu đồng/ha, với tỷ suất lợi nhuận 229,9%. 

Qua thực tế cho thấy, dự án nuôi tôm sú hai giai đoạn kết hợp cá đối mục bước đầu hoàn thiện tài liệu kỹ thuật và mang lại hiệu quả khá cao nên người dân ở khu vực này có khả năng ứng dụng và phát triển mô hình nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình. Đây là mô hình nuôi rất phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất ở địa phương nên cần tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm sú hai giai đoạn kết hợp cá đối mục ở huyện Năm Căn và các huyện lân cận có điều kiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên cần có một số lưu ý để mô hình được vận hành hiệu quả và bền vững hơn (i) do con giống cá đối mục còn phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất nên có thể chọn thời điểm nuôi phù hợp để giảm được chi phí, tăng lợi nhuận và hiệu quả của mô hình nuôi; (ii) cần có những nghiên cứu về sinh sản nhân tạo giống cá đối mục để chủ động và đáp ứng được nhu cầu con giống cho người nuôi trong thời gian tới.

Đăng ngày 07/07/2023
Hồng Huyền
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận