Nuôi lươn đồng theo hệ thống tuần hoàn

Mô hình nuôi lươn theo hệ thống tuần hoàn, tái sử dụng nguồn nước với năng suất tăng từ 2,5 – 4 lần so mô hình nuôi thông thường; hiệu suất lợi nhuận đạt 36,5 – 60,2%.

Nguyên lý

Nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn là mô hình ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước để nuôi trong nhà hoặc khu vực có mái che, nhằm kiểm soát tốt điều kiện nuôi (khống chế pH, biên độ dao động nhiệt độ). Mô hình đảm bảo được quá trình vận hành an toàn, kiểm soát mầm bệnh, sức khỏe và chất lượng sản phẩm; tăng sản lượng; cải thiện và làm gia tăng tốc độ tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất; cho phép xử lý nước ô nhiễm và giúp kiểm soát quá trình xả thải. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển công nghệ nuôi tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là mô hình phù hợp cho quy mô nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (có phân chia khu vực đặt bể, khay nuôi).  Hiện nay, mô hình đang bắt đầu được chuyển giao và triển khai ở một số điểm nuôi lươn giống và lươn thương phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ.

Thiết kế

Chọn địa điểm nuôi: Nơi cao ráo, xa khu dân cư, tiếng ồn, gần nguồn cấp nước tốt như pH 6,5 – 8, ôxy > 2 mg/l, nhiệt độ trại nuôi 25 – 280C, độ trong > 25 cm. Hệ thống nuôi tốt nhất là nuôi trên bể xây có láng gạch men, nên thiết kế từ 1 bể bạt trở lên tùy theo quy mô nông hộ, tốt nhất là 5 – 10 bể bạt. Công trình nuôi nên che mát hoàn toàn bằng mái che bằng tôn hay bạt. Bể bạt có hệ thống thoát nước đường kính 60 – 90 mm, đáy có độ nghiêng 3 – 5% về phía cống thoát. Ống cấp nước có đường kích 60 mm.

nuoi-luon-2

Nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn phù hợp với quy mô các hộ gia đình hoặc HTX, doanh nghiệpẢnh: CL

Giá thể cho lươn bám là dây nilon màu đen được cột thành chùm với chiều dài từ 20 – 30 cm, thả xuống bể bạt nuôi từ đầu đến khi thu hoạch.

Bể nuôi được thiết kế kết nối với hệ thống tuần hoàn nước gồm một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước. Lưu lượng nước qua bể nuôi được điều chỉnh từ 0,5 – 0,8 lít/phút.

Con giống

Nên chọn con giống đồng cỡ, khỏe mạnh, không bệnh, không xây xát… Cỡ giống tùy theo điều kiện, thông thường 1,5 – 3,5 g/con. Khi vận chuyển lươn giống phải để đói ít nhất 1 ngày, vận chuyển bằng thùng xốp hở, hoặc túi nilon có ôxy với tỷ lệ 1 nước/1 lươn. Trước khi thả nên tắm lươn bằng iodine, hoặc thuốc tím pha loãng với nồng độ 2 – 5 ppm trong 5 phút. Sau khi thả 2 ngày mới bắt đầu cho ăn.

Chăm sóc, quản lý

Hiện, nuôi lươn thâm canh không bùn có 2 hình thức cho ăn là cho ăn thức ăn viên hoàn toàn và hình thức pha trộn thức ăn cá tạp xay + thức ăn viên. Tuy nhiên, với mô hình mới này, cần sử dụng hoàn toàn thức ăn viên. Cỡ viên 1 – 3 mm, tùy cỡ miệng lươn, hàm lượng đạm 41%. Ngày cho ăn 2 lần (sáng 8 giờ, chiều 17 giờ). Khẩu phần thức ăn viên hàng ngày tùy theo cỡ lươn, tốt nhất nên bằng khoảng 1 – 2% trọng lượng đàn lươn. Lưu ý, lươn sẽ bỏ ăn khi thay đổi thức ăn đột ngột.

Định kỳ 2 – 3 tuần tiến hành thay nước một lần. Dây nilon làm giá thể được vệ sinh hàng ngày và được thay mới 1 lần/tháng.

Thường xuyên vệ sinh bể bạt, giá thể trước và trong giai đoạn nuôi. Định kỳ 7 – 10 ngày, dùng thuốc sát khuẩn như thuốc tím, iodine tạt vào nước với liều lượng 0,5 – 1 ppm. Định kỳ sử dụng Vitamin C, men tiêu hóa, tỏi… xổ giun cho lươn.

Thu hoạch

Sau từ 8 – 9 tháng, lươn thương phẩm có thể đạt tới 400 g/con, người nuôi thu lợi nhuận tăng gấp đôi so với mô hình thông thường.

>> PGS-TS Phạm Thanh Liêm, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ cho biết, từ năm 2018, nhóm nghiên cứu triển khai mô hình nuôi thâm canh lươn đồng theo công nghệ tuần hoàn nước. Đây là mô hình đáp ứng yêu cầu ATTP, truy xuất nguồn gốc, trong khi vẫn duy trì chất lượng môi trường và bảo vệ được các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Thái Thuận

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận