Phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên các hồ chứa tại Bình Định

Bình Định có hơn 160 hồ chứa nước phân bố rải rác ở khắp các địa phương trong tỉnh với diện tích mặt nước khoảng 5.000 ha.

ca-long-be_16895687296387704182311323672
Nghề nuôi cá lồng trên hồ chứa tại Bình Định đem lại sản lượng rất lớn. Ảnh: NTN

Từ năm 2010 đến nay, phong trào nuôi cá nước ngọt lồng bè trên hồ chứa thủy lợi ngày càng phát triển cả về quy mô cũng như sản lượng. 

Ngoài các loại cá truyền thống như: trôi, mè, chép, điêu hồng,… người nuôi còn thả các giống cá mới có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: cá thát lát cườm, lăng nha, chình bông, lóc bông,… đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Nghề nuôi cá lồng bè trên những hồ chứa thủy lợi đem lại sản lượng rất lớn, hàng năm có thể đạt từ 1.500 – 2.000 tấn, tùy thuộc vào các đối tượng nuôi. Riêng tại hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) hiện có khoảng 30 hộ đang nuôi cá lồng bè, với khoảng 125 lồng, tổng thể tích lồng nuôi lên đến hơn 10.000 m3.

Ngoài đối tượng nuôi chính là cá điêu hồng với sản lượng hàng năm khoảng 700 tấn. Người nuôi ở đây còn thu hoạch khoảng 100 tấn cá khác như cá thát lát cườm, cá lăng nha, cá bống tượng,… giúp cho người nuôi thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Như ông Võ Văn Nhơn, nuôi nhiều loại cá nước ngọt đem lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Tại hồ Mỹ Thuận (huyện Phù Cát), ông Lê Văn Tâm thu hoạch trên 40 tấn cá điêu hồng sau 05 tháng nuôi, với doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, thông qua việc trình diễn các mô hình khuyến ngư của Trung tâm Khuyến nông, các loại cá nuôi lồng bè phù hợp với điều kiện sinh thái trên các hồ chứa lớn của tỉnh, đem lại năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cao như: cá thát lát (năng suất đạt trên 30 kg/m3), cá lăng nha (20 – 30 kg/m3), cá lóc bông (80 – 100 kg/m3), cá chình bông (khoảng 40 kg/m3). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè trên các hồ chứa cũng đang gặp nhiều khó khăn như thời tiết thay đổi bất thường, thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh,…

Thạc sỹ Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông, cho biết: việc phát triển nuôi cá lồng trên hồ chứa hiện nay gặp phải một số khó khăn cần giải quyết như việc chưa chủ động được nguồn cá giống có chất lượng phục vụ cho người nuôi; công tác phòng và trị bệnh cho cá nuôi lồng bè gặp rất nhiều khó khăn, việc sử dụng thuốc điều trị hiệu quả mang lại không cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa được ổn định, các hộ nuôi thường bị thương lái ép giá.

Vì vậy việc phát triển nghề nuôi cá theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm là ưu tiên cấp bách trong thời gian đến. Các hộ nuôi cần thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội để hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, cùng nhau liên kết trong sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. 

Đối với công tác kiểm dịch con giống, phòng và trị bệnh cho cá nuôi lồng bè, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, chuyên viên phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, cho biết: Thực tế hiện nay cho thấy, việc thả giống nuôi cá của các hộ dân chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, theo cảm tính, qua hình thức cảm quan. Con giống trước khi thả nuôi chưa qua kiểm dịch, chưa chứng nhận là sạch bệnh. Vì vậy nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh trong quá trình nuôi là rất cao, sẽ gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Nuôi cá lồng bè thường xuất hiện các bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra. Việc điều trị bệnh cho thủy sản nuôi thường gặp rất nhiều khó khăn và hiệu quả mang lại không cao, bởi khi phát hiện cá bị bệnh, cá thường bỏ ăn nên phương pháp điều trị trộn thuốc vào trong thức ăn không hiệu quả, gây thất thoát lớn cho người nuôi.

Với diện tích mặt nước, hồ thủy lợi, thủy điện và hồ chứa tự nhiên lớn nên tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lồng bè, sản lượng mang lại có thể tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.

Tuy nhiên, việc phát triển cần phải có sự quản lý, quy hoạch và hướng dẫn hỗ trợ của các cơ quan chức năng chuyên môn, quy hoạch vùng nuôi phù hợp, tránh phát triển tràn làn; các hộ nuôi phải đăng ký và được cấp phép nuôi cá lồng bè; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản.

Ngoài ra, việc hình thành và phát triển nghề nuôi này còn phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng khác như độ sâu vùng nước, tốc độ, dòng chảy chất lượng, nguồn nước, mật độ lồng bè, chất lượng, con giống, thức ăn và quy trình kỹ thuật nuôi.

Theo Thạc sỹ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông: trong thời gian đến, đặc biệt giai đoạn 2024 – 2026, Trung tâm Khuyến nông sẽ xây dựng các mô hình, dự án nuôi cá lồng trên hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đó là hướng đi thiết thực giúp cho các hộ nuôi có thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định, phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao hiệu quả của nghề nuôi cá lồng bè đem lại năng suất cao và phát triển bền vững.

Đăng ngày 17/07/2023
NTN
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận