Hàm lượng oxy trong ao là yếu tố quan trọng quyết định thành công vụ nuôi. Trong việc nuôi tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng để đạt năng suất cao và chất lượng tốt thì việc quản lý bọt nước trong quá trình sử dụng quạt nước là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người nuôi vẫn còn lo lắng khi bọt nước xuất hiện trên mặt ao.
Nguyên nhân tạo bọt
– Tảo nở hoa: Chất hữu cơ dư thừa, mất cân bằng Nitơ và Photpho, các loại tảo độc như tảo giáp, tảo đỏ,… phát triển mạnh và sản sinh nhiều chất độc gây nhờn nước ao, tạo váng bọt khó tan.
– Chất hữu cơ: Quá trình phân hủy yếm khí của chất thải hữu cơ tích tụ dưới đáy ao, gp dẫn đến sự hình thành bọt nước.
– Vi sinh vật: Mất cân bằng dinh dưỡng trong ao thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật dạng sợi sinh ra các hợp chất kỵ nước tạo thành bọt.
– Tác động cơ học: Sự khuấy động của quạt hoặc thiết bị sục khí gây cản trở và va chạm giữa các phân tử nước, tạo ra bọt.
– Chất lơ lửng: Các chất lơ lửng làm nước ao bị đục và nhờn, tạo điều kiện hình thành bọt.
Ảnh hưởng của bọt nước đến tôm
Bọt nước có thể có màu trắng, vàng nâu hoặc xanh tùy thuộc vào nguyên nhân. Dưới đây là các loại bọt thường xuất hiện trong ao nuôi tôm và tác động của chúng:
– Loại mau tan: Bọt do thiết bị sục khí tạo ra hoặc do quạt nước hòa tan oxy vào nước thường là màu trắng và nhanh tan. Chúng không gây hại cho tôm.
– Loại màu và lâu tan: Thường có màu nâu hoặc đen, tan sau một thời gian dài. Loại bọt này do chất thải hữu cơ, sụp tảo hoặc dư thừa thức ăn. Chúng gây ảnh hưởng xấu đến tôm, khiến tôm thiếu oxy, chậm phát triển và dễ mắc bệnh.
– Bọt do hóa chất: Hóa chất diệt tạp hoặc kích lột như saponin cũng tạo ra bọt. Loại bọt này tan nhanh hay chậm phụ thuộc vào loại hóa chất và liều lượng sử dụng, nhưng thường sẽ biến mất sau 1-2 giờ.
Giải pháp quản lý bọt nước trong ao nuôi tôm
– Kiểm soát thức ăn: Giảm lượng thức ăn dư thừa để ngăn chặn sự tích tụ hữu cơ.
– Thu hoạch phân tôm định kỳ: Giảm bớt nguồn gốc chất hữu cơ, hạn chế tạo bọt.
– Duy trì yếu tố môi trường: Ổn định chỉ tiêu pH và độ kiềm để kiểm soát tảo.
– Thay nước: Loại bỏ chất thải bùn đáy, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ.
– Quản lý ao nuôi: Gia cố kỹ bờ ao, duy trì độ sâu ao phù hợp.
– Sử dụng chế phẩm sinh học: Sử dụng các chủng vi khuẩn có lợi như Bacillus spp. để phân hủy chất hữu cơ dư thừa.