Thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Nam, hiện nay, nhiều diện tích nuôi bị nhiễm dịch bệnh, nhất là với tôm thẻ chân trắng. Theo ngành nông nghiệp, nguy cơ dịch bệnh vẫn lớn và có thể kéo dài. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Quảng Nam, tính đến tháng 10/2023, dịch bệnh trên thủy sản nuôi (nhất là con tôm) tiếp tục diễn biến phức tạp. Điển hình là bệnh đốm trắng xảy ra ở tôm thẻ chân trắng ở các địa phương: Cẩm An, Cẩm Thanh (thành phố Hội An), Duy Thành, Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), Bình Hải, Bình Giang (huyện Thăng Bình); diện tích bị bệnh là 20,8 ha; Bệnh hoại tử gan tụy (AHPND) xảy ra ở các địa phương: Tam Giang, Tam Hòa (huyện Núi Thành), Tam Phú, Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ), Duy Thành (huyện Duy Xuyên), Bình Nam (huyện Thăng Bình); diện tích bị bệnh là 21,8 ha; Bệnh vi bào tử trùng (EHP) xảy ra tại xã Duy Thành huyện Duy Xuyên; diện tích bị bệnh là 1 ha; Cùng đó, diện tích tôm bị bệnh do biến đổi môi trường là 145,81 ha, xảy ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 10/2023, gần 200 ha tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị nhiễm bệnh. Ảnh: baoquangnam.vn.
Ngoài ra, diện tích cá bị nhiễm khuẩn do streptococcus là 4 ha, nhiễm khuẩn do Aeromonas là 5 ha, diện tích cá chết do môi trường 3 ha.
Để chủ động ngăn ngừa, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra ở động vật nhằm bảo vệ, phát triển đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Mục đích, chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong tỉnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo cho ngành chăn nuôi, thủy sản phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cụ thể, yêu cầu các đơn vị, người nuôi thực hiện nghiêm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn Bộ NN&PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Cùng đó, quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, hoạt động buôn bán thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong thú y của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
PV