Quảng Ninh đi sớm, phải về đích sớm

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ

Quanh câu chuyện về lợi thế và khó khăn trong phát triển nuôi biển ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có những chia sẻ.

Tăng nuôi trồng, giảm khai thác

Ông có thể chia sẻ những lợi thế của Quảng Ninh để phát triển nuôi biển?

Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều thế mạnh đặc biệt về kinh tế biển nói chung, nuôi biển nói riêng. Bờ biển dài 250 km, chiếm khoảng 8% chiều dài bờ biển của cả nước. Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo, lại có 2.078 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước. Các đảo này dàn trên mặt biển tạo nên một vùng nước được bảo vệ, che chắn rất tốt.

Bên cạnh đó, đáy biển Quảng Ninh độ sâu khoảng 20m, không lớn lắm so với biển miền Trung, cấu trúc địa chất như vậy nên ít bùn, nhiều cát và đá hơn.

Ngoài ra, Quảng Ninh có nhiều đảo lớn có những vị trí hết sức quan trọng. Trong số 2.078 đảo, có một số đảo lớn hàng đầu cả nước. Cùng với vùng biển Cát Bà (Hải Phòng) tạo nên điều kiện rất tốt cho phát triển kinh tế biển, đảo.

img-9808-095739_858

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nói: Nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh về quy mô so với các ngành kinh tế khác vẫn còn nhỏ bé, nhưng lĩnh vực này có khả năng phát triển rất lớn. Ảnh: Hồng Thắm

Một điều tương đối đặc biệt nữa, về kinh tế, Quảng Ninh là một tỉnh có nền sản xuất công nghiệp rất toàn diện. Kinh tế công nghiệp cùng khai khoáng đã tạo nên một đặc điểm nữa của Quảng Ninh về xã hội, tức là tiếp cận xã hội theo cách công nghiệp, cách tiếp cận tương đối khác với những vùng dân cư thuần nông. Vì vậy tất cả yếu tố công nghiệp dễ dàng được du nhập hơn vào dân cư, điều này tạo ra thuận lợi áp dụng công nghệ mới cũng như phát triển nông nghiệp.

Thêm một yếu tố nữa liên quan đến lãnh đạo và bộ máy của Quảng Ninh, được vận hành theo cách năng động, quy củ, có phân công trách nhiệm rõ ràng và có động lực để phát triển.

Ông đánh giá như thế nào về tốc độ, quy mô của nghề nuôi biển Quảng Ninh hiện nay, liệu đã xứng với tiềm năng?

Từ năm 2014, Quảng Ninh đã đặt vấn đề phát triển kinh tế biển. Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển là năm 2018, nghĩa là Quảng Ninh đã đi rất sớm so với các địa phương khác. Như vậy có thể thấy, việc phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi biển đã được tỉnh Quảng Ninh đặt ra một cách tương đối toàn diện.

Với những chính sách như “tăng nuôi trồng, giảm khai thác”, Quảng Ninh cũng đã đặt ra từ rất sớm. Hay vấn đề phát triển nuôi biển, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên đặt ra những quy chuẩn của địa phương. Một trong những quy chuẩn quan trọng nhất là quy chuẩn vật liệu ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ… Đi sớm như vậy, hẳn quảng Ninh cần phải về đích sớm!

Nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh về quy mô so với các ngành kinh tế khác vẫn còn nhỏ bé, nhưng lĩnh vực này có khả năng phát triển rất lớn. Nuôi biển Quảng Ninh ban đầu tập trung vào cá biển, sau đó phát triển nhuyễn thể, tiếp đến là nghề nuôi tôm và gần nhất là phát triển mô hình nuôi hàu kết hợp trồng rong…

Điều tôi muốn nói ở đây không chỉ là đa dạng về loài, mà còn là sự phát triển của các mô hình công nghiệp. Tập đoàn BIM đã đưa mô hình sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy mô công nghiệp vào Quảng Ninh rất sớm.

Gần đây, Tập đoàn Việt – Úc cũng đã đặt cơ sở ở Quảng Ninh. Nuôi tôm của Việt – Úc hay ở chỗ là nuôi trên vùng cao, không phải vùng thấp như ở đồng bằng. Nuôi hàu cũng vậy, Tập đoàn BIM đã phát triển nuôi hàu theo dàn công nghiệp. Có thể thấy rằng, phong cách làm việc công nghiệp, sản xuất công nghiệp đã thâm nhập vào nghề nuôi biển ngay từ đầu, tạo ra một nghề nuôi biển theo phong cách công nghiệp và đó là đặc điểm của Quảng Ninh.

Nút thắt đầu tiên có phải là “tiền đâu”?

Bên cạnh những cơ hội, hẳn sẽ có thách thức, theo ông đâu là những trở ngại lớn trong việc tăng tốc nuôi biển của Quảng Ninh?

Quảng Ninh đi trước nên vướng trước. Vướng đầu tiên là vấn đề quản lý môi trường biển, không gian biển. Trong quản lý không gian biển thì cái khó là vấn đề quy hoạch. Hiện nay quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được xây dựng, ban hành, đang chậm so với yêu cầu gần chục năm. Do thiếu quy hoạch quốc gia nên vùng biển Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng.

2eb9ce4ae77837266e69-100007_900

Trang trại nuôi biển kết hợp trải nghiệm của STP Group tại đảo Phất Cờ, Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: STP Group.

Vướng thứ hai là để có thể phát triển nuôi biển công nghiệp cần phải đầu tư. Mà muốn đầu tư bài bản thì ngư dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp rất cần được giao quyền sử dụng khu vực biển với thời gian đủ dài. Chính phủ đã có Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tuy nhiên, việc thực hiện lại rất vướng vì sự chồng chéo giữa Luật và Nghị định.

Vướng thứ ba là vấn đề chính sách đối với phát triển nuôi biển. Dù đã có Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 trong cả nước được Thủ tướng ban hành theo Quyết định số 1664/QĐ-TTg, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn cần phải xây dựng đề án và kế hoạch cụ thể cho riêng mình để áp dụng trong điều kiện cụ thể của mình.

Vướng thứ tư là chuyện nhân lực. Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp nhưng nhân lực để phát triển nuôi biển công nghiệp hoàn toàn chưa có, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Và điểm cuối cùng, nhưng cũng là điểm đầu tiên, đó là vấn đề tiền. Tài chính gồm nhiều chuyện. Nhà đầu tư không bao giờ lấy vốn của mình 100% mà phải sử dụng vốn vay của ngân hàng hoặc các cổ đông khác. Ở đây có câu chuyện tài sản phục vụ cho nuôi biển. Các trại nuôi biển có khi giá trị lên đến hàng tỷ đồng nhưng vẫn chưa được ngân hàng xem đấy là tài sản.

Các cơ sở nuôi biển hiện nay chưa được xem là tài sản vì chưa được đăng ký, cấp số. Chưa có cơ quan nào trong quản lý của ngành được chỉ định để đăng ký, đăng kiểm cho các cơ sở nuôi biển. Việc chưa được đăng ký, đăng kiểm còn dẫn đến một hậu quả nữa là chưa có ai bảo hiểm cho nó. Câu chuyện bảo hiểm lại phải gắn với các tiêu chuẩn. Vì thế vấn đề tiền không đơn giản chỉ là tiền, mà còn liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn; bảo hiểm; đăng ký, đăng kiểm; và ngân hàng.

Khó khăn cũng đã nhìn thấy rõ, vậy để “hóa giải thách thức”, đưa nghề nuôi biển Quảng Ninh lên “một tầm cao mới”, theo ông, Quảng Ninh cần hướng đi ra sao?

Chúng ta phải gỡ lần lượt từng “nút thắt”. Trước hết là quy hoạch. Trong khi chờ quy hoạch quốc gia, Quảng Ninh nên tiến hành một loạt quy hoạch mà tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ hai, tiến hành xây dựng từng bước một các quy chuẩn cơ sở. Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng quy chuẩn 06 về vật liệu rồi thì cần tiến hành xây dựng tiếp các quy chuẩn mà ngành nuôi biển đòi hỏi cho từng đối tượng nuôi.

Thứ ba, cần tiến hành xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp. Hiện nay trong đề án mà Sở NN-PTNT Quảng Ninh vừa trình Ban Cán sự Đảng của UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tháng 7, trong đó có đánh giá lại về phát triển, rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng nuôi trồng thủy sản trên biển; chuyển đổi vật liệu phao; tăng cường quản lý phát triển bền vững trên biển… Tôi nghĩ đây là một báo cáo tốt, đã điểm lại toàn bộ vấn đề mà tỉnh đã làm trong những năm vừa qua; định hướng cho những năm tới, trong đó nên quan tâm việc xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp.

Thứ tư là vấn đề chỉ định các đơn vị thuộc tỉnh để tiến hành đăng ký, đăng kiểm. Đương nhiên muốn đăng ký, đăng kiểm thì phải giao được biển cho dân với thời gian đủ dài, ít nhất 20 – 30 năm.

Khai thác thị trường cận kề

Trung Quốc được xem là một trong những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu và thị hiếu của thị trường này?

Về thị trường Trung Quốc, tôi không nói thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân, mà chỉ nói về những thị trường giáp ranh với Quảng Ninh, với khoảng cách địa lý từ vùng sản xuất đến cửa khẩu biên giới 50 – 60 km thôi. Những tỉnh này khoảng 300 triệu dân. Hiện mức tiêu thụ thủy sản của người Trung Quốc khoảng 80 kg/người/năm, thế giới khoảng 20 kg/người/năm. Như vậy mức tiêu thụ thủy sản của người Trung Quốc cao hơn rất nhiều.

Tôi chỉ nói ở mức tiêu thụ khoảng 50 kg thôi, trong 50 kg đó chúng ta cung ứng được bao nhiêu? 300 triệu dân nhân với 50 kg/năm, nó là một con số kinh khủng. Và Quảng Ninh cần phải xác định rõ những loài hải sản là ưu thế của tỉnh.

Thị trường Trung Quốc bao giờ cũng mong muốn sản phẩm thủy sản tươi sống. Đối với sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn, ăn liền tiện dụng cũng đã bắt đầu được tiếp cận. Rõ ràng là Quảng Ninh phải xác định cung ứng được bao nhiêu phần trăm cho những thị trường rất gần mình này, chi phí vận tải rất ít này.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Chỉ cần thay đổi hai quan niệm, một là phải xuất khẩu những sản phẩm chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn của Trung Quốc, tiêu chuẩn quốc tế. Hai là phải giao dịch qua chính ngạch. Như vậy chúng ta mới tìm ra những khách hàng lớn, bài bản, có tín nhiệm”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.

(thực hiện)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận