Chi phí thức ăn trong nuôi tôm thường chiếm 50% tổng chi phí đầu tư và việc quản lý thức ăn vẫn cần phải được cải tiến.
Nếu không có sự chú ý tính toán hợp lý xảy ra chất thải hữu cơ, thức ăn thừa tích tụ sẽ gây ra hơn 60% các vấn đề trong ao nuôi tôm. Thế nên, việc nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn là rất quan trọng để giảm chi phí, giúp tiết kiệm và cải thiện lợi ích kinh tế cho bà con.
Đáp ứng đầy đủ yếu tố môi trường
Yếu tố quan trọng nhất trong kiểm soát môi trường nước nuôi là giữ cho hàm lượng ôxy hòa tan trong nước đáp ứng được nhu cầu của tôm. Nhu cầu ôxy đối với tôm cần cao hơn 4 mg/l. Bên cạnh đó, nhiệt độ cũng là một trong những yếu tố môi trường góp phần tác động nhiều đến đời sống của tôm, yếu tố này gằn liền với hoạt động sinh lý, sinh thái và nhu cầu dinh dưỡng của tôm.
Nhiệt độ thích hợp cho tôm nằm trong khoảng từ 28 – 30 độ C; khi nhiệt độ giảm 20 độ C, người nuôi nên tiến hành giảm 30 – 50% lượng thức ăn hàng ngày. Và còn rất nhiều nguyên nhân khác của môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến tôm.
Người nuôi phải quản lý môi trường nước thật tốt vì có rất nhiều nguyên nhân khác của môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến tôm. Ảnh: Tép Bạc
Do đó, người nuôi phải quản lý môi trường nước thật tốt, diệt khuẩn định kỳ. Ngoài ra, cần bổ sung vi sinh định kỳ để xử lý đáy ao, phân hủy thức ăn dư thừa, phân tôm… giúp môi trường luôn ổn định và phù hợp cho vật nuôi.
Quản lý thức ăn
Thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao là nguyên nhân gây bùng phát khí độc, đặc biệt khi mà hàm lượng oxy giảm hoặc khi tảo phát triển quá mức, đồng thời tạo điều kiện cho các vi khuẩn độc hại phát triển gây bệnh cho tôm. Nếu muốn giảm thức ăn dư thừa thì phải kiểm soát được lượng thức ăn trong ngày của tôm nuôi, nên cho tôm ăn ít hơn nhu cầu thức ăn trong ngày.
Để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, thức ăn cho tôm cần phải đáp ứng được những tiêu chí sau: Đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc; ít bụi, bề ngoài mịn; có mùi thơm; không rã trong nước sau 2 giờ, không chứa tạp chất, nấm mốc, ẩm ướt…và phải thu hút tôm bắt mồi.
Khi cho ăn, không nên cho quá muộn vì càng về chiều hay tối thì lượng ôxy càng giảm dẫn đến tình trạng thiếu hụt ôxy khiến tôm khó tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, người nuôi cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp, lúc hàm lượng ôxy hòa tan cao; bên cạnh đó, cũng cần định kỳ xi phông ao để gom bỏ chất thải của tôm, thức ăn dư thừa nơi đáy ao nhằm ổn định nước ao. Nên sử dụng thiết bị sục khí trong khu vực cho ăn.
Thêm vào đó, có thể chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần ăn trong ngày (6 – 7 lần/ngày), nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống cho ăn tự động. Người nuôi cần thường xuyên quan sát, kiểm tra chất thải xi phông ra để xem có thức ăn dư thừa hay không để điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp.
Khi lựa chọn thức cần dựa vào các tiêu chí như kích thước, màu sắc, hình dạng,… Ảnh: Globalseafood
Nâng cao khả năng hấp thu cho tôm
Ngoài gan tụy thì đường ruột là bộ phận quan trọng không kém trên cơ thể tôm, là cơ quan quan trọng nhất cho việc tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và chuyến hóa thức ăn thành thịt tôm. Tôm có đường ruột khỏe thì mới hấp thu vào tiêu hóa tốt, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm.
Do đó, cần theo dõi và quan sát đường ruột của tôm, có thể bổ sung định kỳ men tiêu hóa giúp đường ruột tôm được ổn định. Việc bổ sung men vi sinh đường ruột như dòng B. subtilis, chiết xuất nấm men,…có thể bảo vệ ruột tôm, hỗ trợ duy trì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn của ruột, giúp chuyển đổi thức ăn tốt nhất, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR).
Người nuôi có thể trộn men vi sinh vào thức ăn cho tôm, bên cạnh đó cũng nên bổ sung Vitamin C giúp tôm gia tăng sức đề kháng. Men tiêu hóa hay vitamin nên trộn vào thức ăn trước 60 – 90 phút trước khi cho tôm ăn, nằm giúp những chất này được bám chặt vào viên thức ăn và tôm được hấp thu tối đa.