Thời gian qua, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cá thiếu ôxy và chết rất cao. Để hạn chế thiệt hại, người nuôi cá lồng trên sông Bồ tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã thực hiện san thưa, di chuyển lồng nuôi đến nơi có môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, đã phát hiện tình trạng cá chết nhưng chưa phát hiện bệnh lý trong quá trình di chuyển.
Theo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế, nắng nóng kéo dài, gay gắt, dòng chảy trên sông yếu khiến nguy cơ cá thiếu ôxy, chết rất cao. Người dân đã triển khai tích cực nhiều biện pháp để bảo vệ cá nuôi trong mùa nắng nóng theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình san thưa, di chuyển lồng nuôi đến vùng nước có điều kiện thuận lợi, một số lồng cá nuôi tại xã Quảng Thọ bị chết, hao hụt. Số cá bị chết được cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xét nghiệm bệnh phẩm nhưng chưa phát hiện có dấu hiệu bệnh lý.
Ảnh minh họa. Ảnh: Anh Khoa
Trước đó, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, UBND xã Quảng Thọ tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện nuôi cá lồng trên sông Bồ và hướng dẫn công tác quản lý, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nuôi thủy sản trong điều kiện nắng nóng. Kết quả cho thấy, vùng nuôi có dòng chảy nhẹ, cá nuôi phát triển bình thường. Một số lồng xảy ra hiện tượng cá chết, hao hụt trong quá trình san thưa, di chuyển nhưng chưa phát hiện bệnh lý.
Với tình hình thời tiết nắng nóng còn kéo dài, cán bộ kỹ thuật tiếp tục khuyến cáo người nuôi tăng cường chăm sóc tích cực, theo dõi thời tiết và môi trường thường xuyên để sớm phát hiện các tình trạng bất thường của cá, áp dụng một số biện pháp phù hợp. Theo đó, kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị, nhiên liệu, viên sủi sẵn sàng để sục khí nhằm tăng lượng ôxy cho cá khi trên sông Bồ không có dòng chảy.
Cần bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn tinh cho cá để tăng cường sức đề kháng, miễn dịch. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường; ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40ºC. Đồng thời, thu gom thức ăn thừa, xác thủy sản bệnh (chết), vệ sinh lồng nuôi, treo túi vôi ở lồng nuôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
Không chỉ với cá nuôi lồng, nắng nóng gay gắt, kéo dài trong thời gian qua cũng khiến một số thủy sản nuôi trên sông, đầm phá chết rải rác. Nguyên nhân chính là do các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, thất thường, nhiệt độ nguồn nước cao, phát sinh một số khí độc, tảo độc gây bất lợi cho thủy sản nuôi. Ngành thủy sản và các địa phương đang tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hộ nuôi triển khai biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa nắng nóng.
An Nhiên