Thủy sản 6 tháng đầu năm: Nuôi trồng khởi sắc, xuất khẩu ảm đạm

Có thể nói, nửa đầu năm 2023 thật sự rất khó khăn đối với ngành thủy sản, sản xuất trong nước không thực sự thuận lợi, thị trường xuất khẩu khá đuối sức đang khiến cho ngành này chậm nhịp hơn rất nhiều so cùng kỳ năm ngoái. Để hoàn thành được mục tiêu cả năm, ngành thủy sản còn rất nhiều việc phải làm.

Khó khăn bủa vây

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Như Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, nửa đầu năm 2023, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Giá xăng dầu ổn định và có xu hướng giảm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, chủ động tham gia bám biển ở tất cả các vùng biển để tổ chức khai thác hải sản. Tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã phục hồi và phát triển tương đối ổn định.

PTC_84689136739694241268447

6 tháng đầu năm, sản lượng NTTS cả nước đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 3% cùng kỳ năm trước. Ảnh: PTC

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức với ngành thủy sản 6 tháng đầu năm cũng không phải ít. Đó vẫn là những yếu tố cũ như ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine kéo dài, cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19 từ năm trước khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, trong đó có thủy sản.

Cùng đó, giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics lớn gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất. Thêm nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. EC tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam…

Vượt qua trở ngại đó, sản xuất thủy sản vẫn đạt những kết quả khá ấn tượng. Theo số liệu của Cục Thủy sản, ước tính đến hết tháng 6/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 47,2% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2%; sản lượng nuôi trồng hơn 2,336 triệu tấn, tăng 3%.

Xuất khẩu chủ lực giảm mạnh

Mặc dù sản lượng và giá trị sản xuất nhiều loại thủy sản vẫn tăng so cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng, giá trị xuất khẩu lại không đạt như kỳ vọng. Cụ thể, tính đến hết tháng 6, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% và chỉ đạt 41,3% kế hoạch năm. Trong đó, tất cả chủ lực đều sụt giảm rất mạnh.

Theo số liệu báo cáo của Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 656.000 ha, tăng 6,4% so cùng kỳ, trong đó: diện tích nuôi tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha; sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đạt khoảng 467.000 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ, trong đó: tôm sú đạt 119.300 tấn (tăng 1,2%), tôm thẻ chân trắng 315.200 tấn (tăng 5,2%). Về xuất khẩu, mặc dù nửa đầu năm, tôm vẫn là chủ lực khi chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng kim ngạch ước đạt chỉ 1,56 tỷ USD, thấp hơn 31% so nửa đầu năm 2022.

Về cá tra, tính đến hết tháng 6, diện tích thả nuôi đạt 3.220 ha, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch đạt 859.000 tấn, tăng 11,3%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra hai quý đầu năm chỉ khoảng 885,5 triệu USD, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng giảm tới 38% so cùng kỳ.

Đối với ngành hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6/2023 giảm 29%, chỉ đạt 64 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so cùng kỳ.

thu-hoach-tom-Soc-Trang11922218083672361022

Vượt qua trở ngại, xuất khẩu thủy sản vẫn mang về những con số ấn tượng. Ảnh: ST

Giải pháp bứt tốc nửa cuối năm

Theo dự báo, khó khăn của ngành thủy sản những tháng cuối năm cũng sẽ không ít đi, thế nhưng, thị trường sẽ xuất hiện tín hiệu tích cực, ngành thủy sản và doanh nghiệp đang tập trung những giải pháp thiết thực để đảm bảo tốt điều kiện cần và đủ, nhằm tận dụng nhanh, hiệu quả mọi cơ hội xuất hiện.

Về sản xuất, ngành sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản với mục tiêu “Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững”. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng thủy sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục tham mưu trong chỉ đạo, điều hành, chuyển đổi tư duy từ sản xuất thủy sản sang kinh tế thủy sản.

Riêng đối với tôm nước lợ, sẽ phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh để dự báo chính xác và có cảnh báo sớm đến người dân; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Với cá tra, tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị điều kiệt tốt nhất để làm việc với đoàn thanh tra tại các cơ sở xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.

Và để triển khai các nhóm giải pháp hiệu quả, thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương Cục Thủy sản kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ để hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện hoạt động nuôi trồng, khai thác, quản lý tàu cá hiệu quả, hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Thủy sản có vai trò đặc biệt quan trọng khi chiếm tỷ trọng 27 – 28% toàn ngành nông nghiệp. Trong năm nay, mặc dù phải kiện toàn lại toàn bộ nhưng ngành thủy sản vẫn giữ được những cột mốc, những mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, ngành cần phải sát sao hơn nữa. Chẳng hạn về nuôi, cần rà soát lại các đối tượng như tôm, cá tra, nhuyễn thể, hay về ao, hồ nuôi… có vướng mắc gì không. Quan trọng hơn, trong thời gian tới cần xem giải pháp thực hiện như thế nào để đảm bảo tăng trưởng.

>> Căn cứ vào tình hình xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu dùng toàn cầu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu kép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Cụ thể:

– Chỉ tiêu 6 tháng cuối năm: Tổng sản lượng: 4,78 triệu tấn (khai thác: 1,75 triệu tấn; sản nuôi trồng 3,03 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu 5,8 tỷ USD.

– Chỉ tiêu cả năm 2023: Tổng sản lượng: 9,05 triệu tấn (khai thác: 3,68 triệu tấn; nuôi trồng 5,37 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Phan Thảo

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận