Tiềm năng lớn, nghề không mới, nhưng yếu kỹ thuật

Bình Định ‘tầm sư’ học nghề trồng rong biển

Để ổn định sinh kế cho người dân miền biển, Bình Định ‘tầm sư’ học nghề trồng rong biển để chuẩn bị cho lộ trình phát triển nghề này trong thời gian tới.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng

Bình Định hiện có khoảng 1.200 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 15m chuyên khai thác ven bờ và vùng lộng. Trong lộ trình tái cơ cấu ngành thủy sản, Bình Định đi theo hướng “giảm khai thác, tăng nuôi trồng” để vừa ổn định sinh kế cho người dân vùng ven biển, vừa giảm áp lực đánh bắt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, nhất là nguồn lợi thủy sản gần bờ.

Trong thời gian tới, Bình Định sẽ tính toán, giảm dần lực lượng tàu cá đánh bắt ven bờ. Theo đó, Bình Định sẽ phát triển nghề nuôi biển để ổn định sinh kế cho người dân miền biển, nhất là cho những gia đình ngư dân có tàu đánh bắt gần bờ chuyển đổi nghề.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này có ít lợi thế để phát triển nghề nuôi biển , vì biển ở Bình Định là biển hở, nhiều sóng gió. Do đó, hiện nay, địa phương này mới chỉ có hơn 60ha nuôi thủy sản nước mặn, tập trung tại các vùng biển gần bờ ở thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Nuôi biển ở Bình Định chủ yếu quy mô hộ gia đình, lồng bè gỗ theo kiểu truyền thống, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá hồng, cá mú và mực lá… với gần 500 hộ dân sống ở các vùng ven biển tham gia.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định (ngoài cùng bìa trái), dẫn đầu đoàn công tác của ngành thủy sản Bình Định “tầm sư” học nghề trồng rong biển. Ảnh: V.Đ.T.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định sẽ phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi; đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, rong biển là 1 trong những đối tượng được Bình Định chọn để phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, những năm trước đây, ngư dân ở các vùng ven biển Bình Định cũng đã có trồng rong biển nhưng không thành công. Nguyên nhân được xác định là do giống không đảm bảo chất lượng, giống rong chủ yếu được người dân chiết ra từ rong khai thác trong tự nhiên, đã bị nhiễm bệnh. Thêm vào đó, do chưa am tường kỹ thuật nên rong biển bà con trồng bị cá ăn, bị sóng gió đánh gãy rụng và nước biển bị ngọt hóa khiến rong nuôi bị rữa trắng, hư hỏng hết.

Đoàn công tác của ngành thủy sản Bình Định tham quan cơ sở sản xuất rong giống theo phương pháp cấy mô của Công ty DBLP tại huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định được đánh giá có nhiều vùng phù hợp phát triển trồng rong biển, đặc biệt là tại các xã ven biển Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Gềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn). Ở xã Nhơn Hải hiện có cả cánh rừng rong mơ dưới đáy biển, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm là mùa sinh sản của các loài cá rạn, rừng rong mơ trở thành “nhà hộ sinh” để lũ cá tụ tập về đây sinh sản. Trong thời gian ấy, người dân địa phương đổ xô ra biển khai thác rong, khi ấy rong đã già. Trong mùa khai thác rong, trong túi của người dân làng chài Nhơn Hải lúc nào cũng “rủng rỉnh tiền” vì giá trị của rong biển khá cao.

“Bây giờ rong giống đã có 1 doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất giống theo phương thức nuôi cấy mô có trụ sở đặt tại tỉnh Phú Yên, lúc nào cũng sẵn nên không bị động như trước đây. Phôi giống nuôi cấy mô có xuất xứ từ Philippines, được lựa chọn kỹ càng, sạch bệnh, có sức chống chịu tốt nên trồng sẽ đạt hiệu quả. Chúng tôi đang tổ chức trồng thử nghiệm tại xã Nhơn Hải để hoàn thiện quy trình, đánh giá sản lượng, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các xã Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Gềnh Ráng rồi đến các địa phương ven biển như huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.

Anh Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành Công ty DBLP, hướng dẫn các cán bộ kỹ thuật của ngành thủy sản Bình Định cách trồng rong biển. Ảnh: V.Đ.T.

“Tầm sư” học nghề

Quyết tâm đeo đuổi nghề trồng rong biển của Bình Định được thể hiện bằng chuyến đi thực tế với lực lượng rất hùng hậu lên đến 32 người, do ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, dẫn đầu. Đoàn công tác “tầm sư” học nghề trồng rong biển của Bình Định có cán bộ Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn, Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương ven biển cùng đông đảo ngư dân.

Đoàn đã đi thực tế tại cơ sở sản xuất giống rong biển của Công ty DBLP, doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phát triển giống, tổ chức vùng nguyên liệu và chế biến, cung ứng sản phẩm rong sụn cho thị trường đóng tại huyện Tuy An (Phú Yên), sau đó đi thực tế vùng trồng rong biển thương phẩm tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) của Công ty TNHH Okinawa.

Tại cơ sở sản xuất giống rong biển của Công ty DBLP, đoàn công tác của Bình Định được anh Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP, giới thiệu rõ những lợi thế và khó khăn trong phát triển rong biển tại Bình Định. Theo anh Phương, sau những chuyến thực tế về vùng biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), với con mắt nhà nghề, anh Phương đánh giá đây là vùng biển đầy tiềm năng phát triển nghề trồng rong biển. Đồng thời, anh Phương cũng nhận ra những điều cần khắc phục nếu muốn phát triển nghề trồng rong biển tại Bình Định.

Các cán bộ kỹ thuật của ngành thủy sản Bình Định học cách buộc giống rong vào dây để nuôi thương phẩm của nhân viên Công ty TNHH Okinawa (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: V.Đ.T.

Anh Đỗ Linh Phương chia sẻ, ở Bình Định hiện nay chưa có vùng nước mặn và kín gió để dưỡng giống rong trong mùa đông như các vùng biển nằm trong vịnh kín gió ở Phú Yên, do đó, cần hình thành liên kết vùng trong phát triển trồng rong biển, Phú Yên cung cấp giống, Bình Định sản xuất rong thương phẩm. Thứ đến là Bình Định cần lực lượng trồng rong biển chuyên nghiệp, cần mẫn. Bởi trồng rong là công việc nặng nhọc, cả ngày người trồng rong phải ngâm mình dưới nước biển để làm vệ sinh những giàn dây treo giống rong, cả ngày tỉ mẩn ngồi buộc rong giống vào dây để đưa ra giàn nuôi ngoài biển.

“Ở những vùng trồng rong biển trên bờ phải có không gian dựng trại để khi giống được chuyển từ Phú Yên về, lao động có chỗ ngồi buộc rong giống vào dây, nơi này phải nằm sát vùng trồng rong và bơm được nước biển vào. Người cần mẫn mỗi ngày có thể cột được từ 1.500 – 2.000 mầm giống rong. Tiếp đến là nguồn vốn. Nếu Bình Định xác định trồng rong biển kết hợp làm du lịch thì phải trồng rong trong lồng HPDE, vốn đầu tư khá cao”, anh Phương chia sẻ.

5-070553_382

Nhân viên Công ty TNHH Okinawa (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) đưa những dây rong ra biển cột lên giàn để nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Phương, việc trồng rong trước đây kém hiệu quả là vì khi ấy Việt Nam chưa có giống rong. Giống rong bà con trồng thường cắt mầm từ rong trồng từ vụ này để sang vụ khác, giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên thường ủ sẵn mầm bệnh, chất lượng không đảm bảo. Nay trong nước đã sản xuất được giống rong cấy mô, nguồn gốc giống đã qua lựa chọn nên việc trồng rong biển thuận lợi hơn rất nhiều. Riêng cơ sở sản xuất giống rong biển của Công ty DBLP mỗi năm có thể sản xuất 1 – 3 triệu cây giống, đủ cung ứng cho nhu cầu trồng rong biển trong cả nước.

“Mỗi ngày cơ sở sản xuất giống rong biển của chúng tôi cắt khoảng 20.000 mầm để nuôi cấy mô. Những mầm này được đưa vào phòng thí nhiệm xử lý vài tháng mới đưa ra ngoài. Cây rong không phải vị trí nào cũng cắt mầm làm giống được, mầm nào có thể nhân giống mới được cán bộ kỹ thuật chọn cắt. Cây rong phôi để cắt mầm làm giống không được chọn cây già quá vì rất dễ gãy. 1 tấn rong giống đưa ra biển phải thu về 30 tấn rong thương phẩm mới đạt hiệu quả”, anh Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành Công ty DBLP, chia sẻ.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận