Tiền Giang: Nhiều thế mạnh với nuôi cá lồng bè trên sông

Tận dụng thế mạnh có sông Tiền và mạng lưới sông ngòi chằng chịt, thuận lợi, Tiền Giang đã phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè, giúp giải quyết công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho nông dân vừa tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo thống kê, Tiền Giang hiện có 1.661 bè nuôi thủy sản trên sông Tiền tập trung ở thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, Cái Bè và huyện Cai Lậy với tổng dung tích 175.000 m3. Đối tượng nuôi chính là cá điêu hồng và một số loài cá có giá trị kinh tế khác như cá ba sa, cá xác sọc, chép nhật, cá chim trắng…

Sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 10.500 tấn cá bè thương phẩm cung ứng cho thị trường trong ngoài tỉnh; trong đó, có 1 cơ sở đầu tư nuôi cá lồng bè theo quy trình VietGAP với quy mô 20 bè cho sản lượng mỗi năm khoảng 200 tấn cá thương phẩm. Đây là một hướng đi đang được tỉnh khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng cá bè thương phẩm tham gia thị trường.

ca-dieu-hong-anh-ST

Nuôi cá điêu hồng thâm canh trên sông Tiền. Ảnh: ST

Điển hình như thành phố Mỹ Tho là địa phương có nghề nuôi cá bè phát triển mạnh giải quyết việc làm cho người lao động. Trên đoạn sông Tiền chảy qua thành phố Mỹ Tho hiện có 670 lồng bè với thể tích 63.480 m3, chủ yếu nuôi cá điều hồng với sản lượng mỗi năm 5.000 tấn đến 6.000 tấn, tập trung tại các khu vực phường Tân Long, xã Thới Sơn.

Toàn xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho) có 585 lồng, bè nuôi thủy sản trên sông Tiền. Chu kỳ nuôi từ 7 – 8 tháng thì xuất bán, khi cá đã đạt trọng lượng từ 800 gram đến 1 kg/con. Trung bình mỗi lồng, bè đạt sản lượng thu hoạch từ 8 – 10 tấn cá/năm. Tính trung bình 10 lồng bè nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ngư dân lãi gần 300 triệu đồng.

Hiện giá cá diêu hồng đang tăng trở lại sau thời gian giảm mạnh. Giá cá điêu hồng xuất bán ra thị trường hiện nay dao động trong khoảng 47.000 – 48.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí sản xuất. Đây là động lực khuyến khích hộ nuôi cá lồng, bè tại Tiền Giang đầu tư thâm canh, tăng năng lực sản xuất cũng như nâng chất lượng nguồn cá thương phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong ngoài tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, giá cá điêu hồng nuôi bè tăng, người nuôi có lãi. Đây là động lực khuyến khích bà con tích cực tu sửa bè, đầu tư thả cá giống và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nuôi cá đạt kết quả tốt. Mặt khác, còn tạo điều kiện để nghề nuôi cá lồng, bè phát triển bền vững, tạo nguồn nông sản hàng hóa quan trọng phục vụ nhu cầu thị trường, thu hút lao động việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Hải Đường

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận