NGHỆ AN Liên kết với trang trại chăn nuôi lợn tận dụng nguồn chất thải và xử lý để nuôi giun quế, anh Dương Văn Tú thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Rảo bước thật nhanh về phía trang trại, trên mặt lộ rõ vẻ phấn chấn, anh Dương Văn Tú, nông dân điển hình về làm kinh tế giỏi trên địa bàn Nghệ An chia sẻ chặng đường đã qua:
“Tôi là người con vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) nhưng sinh sống, lập nghiệp trên đất Nghệ An. Bản thân cực kỳ đam mê lĩnh vực nông nghiệp. Qua theo dõi và hiểu rõ lợi ích của phân hữu cơ vi sinh, đặc biệt là phân giun quế nên trong lòng tôi luôn ấp ủ sẽ triển khai một mô hình tương xứng khi điều kiện cho phép”.
Quá trình công tác trên địa bàn nhận thấy nhiều trang trại lợn hoạt động hiệu quả, nguồn phân thải ra rất nhiều nhưng chưa tận dụng được, từ đó anh Tú đã nảy ra ý tưởng biến phân lợn vốn là chất thải gây ô nhiễm thành nguồn dinh dưỡng sạch.
Anh Tú quyết định lựa chọn vùng đất Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) làm nơi khởi nghiệp. Dù có thừa đam mê và quyết tâm nhưng trước một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, anh Tú hiểu rằng bước khởi đầu nào cũng gian nan, trầy trật. Vì lẽ đó, anh không thể “đốt cháy giai đoạn” bằng mọi giá, ngược lại anh xác định sẽ đi từng bước để xây dựng nền móng, điểm tựa vững chắc về sau.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, thấm nhuần triết lý ấy, anh Tú xúc tiến việc hợp tác với một trang trại lợn quy mô khoảng 5.000 con. Đôi bên thể hiện rõ ràng quan điểm, doanh nghiệp chủ động cơ sở hạ tầng và nguồn thải, còn anh Tú bỏ công sức, kỹ thuật, quy trình, lợi nhuận thu về chia đôi.
Sản phẩm từ giun quế được các cơ sở, trang trại trên địa bàn thu mua, sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản, kết hợp làm vườn. Các dòng sản phẩm được ưu tiên chọn lựa nhờ những đặc tính vượt trội. Dùng giun quế làm thức ăn cho vật nuôi vừa giúp giảm thiểu dịch bệnh, bảo vệ môi trường, lại tăng sức đề kháng cho đối tượng vật nuôi.
Nhận thấy sự hợp tác cho thành quả mỹ mãn ngoài mong đợi, anh Dương Văn Tú và đối tác đã chủ động nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chuồng trại nhằm đảm bảo các tiêu chí đặt ra. Trên diện tích 2.000m2, trang trại đã lắp đặt bể lắng, xây mới dãy chuồng… Toàn bộ chất thải của trang trại lợn được thu gom, chuyển trực tiếp tới bể ngâm ủ, xử lý, khử các vi khuẩn gây hại. Khi chất thải của lợn đã “sạch” mới được bơm trực tiếp cho giun ăn.
Trung bình mỗi năm, trang trại xuất bán hơn chục tấn giun quế với giá 50.000 đồng/kg, doanh thu hơn nửa tỷ đồng/năm.
Anh Tú khẳng định quy trình chăm sóc giun quế không quá khó. Để đảm bảo giun phát triển đều, ổn định, đòi hỏi hệ thống chuồng trại đạt quy chuẩn về cách âm, ánh sáng, nhiệt độ, mục đích nhằm tạo ra môi trường hoàn hảo cho giun phát triển, đồng thời ngăn chặn các loại côn trùng xâm nhập.
Có kinh nghiệm dạn dày trong nghề, anh Tú thừa nhận nuôi giun quế ở khu vực miền Trung với “đặc sản gió Lào” đặc trưng, thời tiết hanh khô nên không phải là điều kiện lý tưởng cho con giun phát triển. Để khắc phục nhược điểm này, anh và đối tác đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới phun sương để điều hòa nhiệt độ, độ ẩm. Chỉ một thay đổi nho nhỏ nhưng kết quả mang lại hết sức khả quan, giun hạp đất, phát triển đều, ổn định.
Trên địa bàn Nghệ An có nhiều mô hình nuôi giun quế khá thành công, tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳ Hợp…, nhưng banh Dương Văn Tú được số đông thừa nhận là người tiên phong trong lĩnh vực này.
“Ngoài trại lợn ở xã Thanh Lâm, tôi đang liên kết với các trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn để mở rộng mô hình nuôi giun quế, hiệu quả kinh tế thu về rất khá, vượt trội so với các mô hình truyền thống khác”, anh Tú cho biết.