Làm thế nào để giảm chi phí nuôi tôm thấp nhất?

Theo cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) tháng 5/2023, Mỹ nhập khẩu 62.401 tấn tôm, trị giá 523,6 triệu USD, giảm 17% về sản lượng, và 12% về giá trị so cùng kỳ năm 2022.

nha-tom_6_1690774298-1
Khai thác, hỗ trợ mục tiêu nuôi tôm tiết kiệm chi phí. Ảnh: Tép Bạc

Trong đó, lượng tôm Việt Nam xuất vào Mỹ đến tháng 5/2023 là 4.735 tấn (năm 2022 là 7.367 tấn), giảm 36%. Giá xuất khẩu tôm vào Mỹ tháng 5/2023 lần lượt các nước trong top 4 gồm: Ấn Độ 8,20 USD/kg; Ecuador 6,85 USD/kg; Indonesia 8,05 USD/kg; Việt Nam 10,92 USD/kg.  

Xuất khẩu tôm tại các thị trường quốc tế

Riêng tại thị trường Trung Quốc, Ecuador đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng 5/2023 với mức 72.520 tấn, tương đương 392 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng và tăng 70% về giá trị so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, đơn giá trung bình cho 1 kg tôm giảm 16% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 5,41 USD/kg. Ấn Độ là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai vào thị trường Trung Quốc sau Ecuador, trong tháng 5/2023 với 10.872 tấn tôm, tương đương 62 triệu USD, tăng 30% về lượng, nhưng chỉ tăng 7% về kim ngạch, do giá bán tôm giảm 23% xuống còn 5,73 USD/kg.  

Trong tháng 5/2023, Trung Quốc đứng thứ nhất về thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23%. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm tỷ trọng 21%. 

Qua con số thống kê trên, từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn số liệu cho thấy 2 vấn đề bà con nuôi tôm rất đáng quan tâm: Vấn đề thứ nhất đó là tôm Việt Nam xuất vào 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ đang giảm về số lượng. Vấn đề thứ hai đó là giá xuất khẩu tôm của Việt Nam đang cao hơn 3 nước đứng top trên từ 2 – ≥ 2,5 USD/kg.

xuat-khau-tom-2_16907741553051011058518739946Việt Nam là nước xuất khẩu tôm đứng đầu trên thế giới. Ảnh: Vnbusiness

So sánh chi phí sản xuất tôm thẻ chân trắng 

Riêng vấn đề sản xuất tôm trong nước, chi phí (giá thành) sản xuất 1 kg tôm thương phẩm size 50 con/kg, của Việt Nam là 4 USD/kg, cao hơn tôm của Ecuador đến 1,5 USD/kg và tôm Ấn độ là 1 USD/kg. 

Đối với size 50 – 60 con/kg kg, chi phí sản xuất của Ecuador khoảng 2,3 – 2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4 – 3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8 – 5 USD. Nguyên nhân chính, do tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam thấp hơn so với 2 nước trên. 

Mặt khác, tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn nuôi tôm đã trải qua 2 – 3 đợt tăng. Mức tăng cao nhất là 2.000 đồng/1kg. Đồng nghĩa, 1 bao thức ăn nuôi tôm 20 – 25 kg sẽ tăng từ 40.000 – 50.000 VNĐ.  

Nếu xét về loại thức ăn nuôi tôm đạm thấp, giá rẻ nhất cũng tăng 33.000 VNĐ/kg. Mỗi vụ nuôi tôm, kéo dài từ 100 – 120 ngày thì tôm mới đạt được sản lượng, cũng như kích cỡ hàng hoá để thu hoạch.

Từ những số liệu dẫn chứng và phân tích của chúng tôi ở trên cho thấy, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nói chung, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao nói riêng, đang đối diện nhiều thách thức. 

Chi phí nuôi tôm và ứng dụng những đặc tính sinh học của tôm thẻ 

Trong bài viết này chúng tôi chia sẻ cùng bà con 2 vấn đề đó là chi phí nuôi tôm hiện nay của chúng ta và ứng dụng những đặc tính sinh học của tôm thẻ chân trắng, cải tiến kỹ thuật nuôi, nâng cao tỷ lệ thành công mô hình nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiến tới giảm giá thành sản xuất.

Với chi phí nuôi tôm như hiện nay của chúng ta, người nuôi tôm gặp muôn vàn khó khăn, bà con đối diện nguy cơ nuôi lỗ vốn, rất ít mô hình nuôi có lãi, cùng với đó là cơ hội cạnh tranh giá xuất khẩu với 2 nước trên là không thể.

ao-tom-21_16907740802004092908356160777Chi phí nuôi tôm như hiện nay của chúng ta, người nuôi tôm gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Tép Bạc

Với tỷ lệ nuôi tôm thành công của chúng ta thấp như hiện nay (40%) so với Ecuador (90%), việc cạnh tranh về sản lượng xuất khẩu khó thành hiện thực. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm chi phí nuôi tôm thấp nhất? Làm thế nào để sản xuất nuôi tôm luôn ổn định, bền vững? Và thị trường đầu ra cho tôm Việt Nam luôn thuận lợi, bà con nuôi tôm luôn có lãi? 

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một chuỗi liên kết vùng sản xuất, gắn kết giữa cung ứng vật tư trang thiết bị, con giống, phân, vôi, thuốc, hoá chất, công nghệ nuôi, chế biến xuất khẩu theo hướng bền chặt, có trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn. Kết nối chặt chẽ, có hiệu quả, giữa các yếu tố đầu vào, đầu ra. 

Trong đó đặc biệt quan tâm thiết kế, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng nuôi đơn giản, dễ đầu tư, khấu hao ít. Đầu tư đồng bộ hệ thống lọc nước tuần hoàn, tái sử dụng nguồn nước nuôi, hạn chế thay nước, hạn chế tác động môi trường nuôi và xung quanh. 

Sử dụng vi sinh thay thế kháng sinh, gây tảo khuê Chaetoceros sp., Skeletonema sp làm màu nước và thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Quản lý thức ăn, lượng cho ăn hàng ngày. Chủ động điều chỉnh, định lượng thức ăn hàng ngày theo sức khoẻ tôm, theo diễn biến thời tiết, theo chất lượng thông số môi trường…  

Bà con nên điều chỉnh mật độ nuôi tôm hiện nay theo hướng giảm thấp xuống ≤ 150 con/m2, sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm thấp 38 – 40%. Áp dụng đặc tính sinh học loài, trong tăng trưởng bù, trên tôm thẻ chân trắng, sử dụng tôm giống đã ương trong trại gièo, trọng lượng sau ương 1,78 – 2 g/con (ương 18 – 20 ngày). Lượng thức ăn trong 30 ngày nuôi tiếp theo, chỉ đáp ứng 40% so nhu cầu thực tế tôm nuôi. Tiếp tục nuôi trong 30 ngày nuôi kế tiếp, đáp ứng 100 % so nhu cầu thực tế. Sau 80 ngày nuôi, đáp ứng 60 – 70 % so nhu cầu, đến khi thu hoạch.  

Nuôi tôm bền vững thông qua kỹ thuật áp dụng, trong đó, bà con cần mạnh dạn thay thế kháng sinh bằng chế phẩm sinh học, enzyme, thảo dược, nuôi tôm theo công nghệ sạch, cải thiện tỷ lệ thành công mô hình…  

Chủ động nâng chất lượng hàng hoá tôm, theo hướng tăng giá trị. Tiết giảm từng bước các chi phí đầu vào, bằng việc chuẩn bị nguồn tôm giống đạt chất lượng, bà con nên ương kỹ trước khi thả nuôi. Xử lý nguồn nước đầy đủ quy trình, đúng hoá chất, đủ liều lượng, đảm bảo thời gian. Kiểm tra các thông số môi trường, điều chỉnh phù hợp, trước khi thả giống.  

Đăng ngày 31/07/2023
Lý Vĩnh Phước
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận