Tăng cường hướng dẫn sử dụng chất bảo quản trong sản phẩm nông lâm thủy sản

Theo cảnh báo khí tượng thủy văn từ tháng 7 – 8/2023 nắng nóng gay gắt tiếp tục xuất hiện ở khu vực tỉnh Bình Định, số ngày nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn so với cùng thời kỳ.

bao-quan-thuc-pham_1690775165
Tăng cường công tác bảo quản sản phẩm nông lâm thủy sản trong mùa nắng nóng. Ảnh:

Nửa đầu tháng 9 khả năng nắng nóng tiếp tục diễn ra. Vì vậy, các cơ quan chức năng đánh giá thời tiết như trên sẽ ảnh hưởng đến việc bảo quản các sản phẩm nông lâm thủy sản.  

Trong mùa nắng nóng thường xảy ra tình trạng các cơ sở lạm dụng phụ gia, chất bảo quản cho phép sử dụng trong sản phẩm nông lâm thủy sản, dễ dẫn đến vượt ngưỡng cho phép; nguyên do các cơ sở hầu hết nhỏ lẻ, chưa trang bị các dụng cụ có độ chính xác: cân điện tử, máy phối trộn,… đồng thời chưa thực sự chấp hành nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Cụ thể, cơ sở thường sử dụng liều lượng phụ gia thực phẩm theo cảm tính hoặc kết hợp nhiều loại phụ gia có cùng công năng; việc phối trộn tương đối thủ công dẫn đến không đảm bảo độ đồng đều.

Nhằm tăng cường hiệu quả giám sát dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại trong sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt trong mùa nắng nóng đang diễn ra, ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra một số giải pháp cần thực hiện như: 

– Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức tới các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, đặc biệt trong bảo quản, sơ chế, chế biến sau thu hoạch.  

– Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến nằm trong danh mục cho phép theo đúng liều lượng, đối tượng (theo quy định của Nhà nước như Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/08/2019 của Bộ Y tế và hướng dẫn của nhà sản xuất). Nên lựa chọn sử dụng một loại phụ gia có công năng linh hoạt, đa năng để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất; 

– Rà soát và bổ sung các trang thiết bị, phương tiện để kiểm soát trong quá trình sản xuất; 

– Thực hiện các biện pháp tăng cường việc kiểm soát quy trình kỹ thuật (phối trộn) của người sản xuất nhằm đảm bảo sự đồng đều của các thành phần nguyên liệu trong sản phẩm, tránh việc phối trộn không đúng cách; 

– Không sử dụng chất cấm, các chất ngoài danh mục cho phép trong quá trình sản xuất kinh doanh (như Borat, Rhodamin B,..).

– Đẩy mạnh công tác giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; tiếp nhận các thông tin phản ánh (từ người dân, thông tin truyền thông,…), phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Các mức xử lý vi phạm

Theo Điều 5 Nghị định số 115/2018/ND-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có Quy định về vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm: 

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này; 

b) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục dược phép sử dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng thực phẩm;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 dong. 

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng dối với một trong các hành vi sau đây: 

a) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép; 

b) Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…, ngoài ra còn buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Đăng ngày 31/07/2023
NTN
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận