ĐBSCL Theo kịch bản dự báo của VASEP, dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong cả năm 2023 sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD.
ĐBSCL là khu vực tập trung 100% hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra, đặc biệt, 94% sản lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Tại Hội nghị An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra diễn ra ngày 5/8 tại TP Cần Thơ, bà Tô Tường Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đơn đặt hàng hiện còn chậm tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm của cá tra Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong quý II/2023, tình hình xuất khẩu cá tra đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Điển hình, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng gần 3%, nhất là Ảrập Xêút chậm mốc gần 52%, đây là lần đầu tiên quốc gia Tây Á này lọt vào nhóm 10 thị trường xuất khẩu lớn của cá tra Việt Nam với mức tăng trưởng vượt bậc trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã nỗ lực để thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường.
Cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng: Cá tra tươi, đông lạnh, khô chiếm 11 – 14%; Cá tra phi lê đông lạnh chiếm 85 – 86%; Cá tra chế biến ở mức 1 – 3%.
Bên cạnh đó, bà Lan dẫn số liệu của Hải quan Hoa Kỳ cho thấy từ tháng 4 – 5/2023, lượng xuất khẩu cá tra vào quốc gia này đã có sự cải thiện, đạt 7,1 – 7,7 triệu USD, xu hướng thị trường đã có phần cải thiện so với các tháng trước.
Bà Lan dự báo, về thị trường trong những tháng cuối năm, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác sẽ có sự phục hồi nhẹ bởi lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây cũng là thời điểm các nhà bán lẻ tại quốc gia hàng đầu thế giới này tăng cường tích trữ để phục vụ cho các mùa lễ hội cuối năm. Bên cạnh đó, lượng tồn kho cá tra tại các nước đang giảm dần. Hơn nữa giá thức ăn cá tra đang giảm, giúp nông dân đẩy mạnh thả nuôi vào những tháng cuối năm chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.
“Dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD”, bà Tô Tường Lan dự báo.
Một sự kiện cũng đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng cá tra, dự kiến những ngày đầu tháng 8, Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ – FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sẽ đến một số địa phương, doanh nghiệp đang thực hiện xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ để đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, đây là điều kiện, thời cơ để các doanh nghiệp cá tra xây dựng vùng nuôi và quy trình sản xuất tốt hơn, phát huy lợi thế “độc tôn” của cá tra Việt Nam.
Do dó, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần có sự chuẩn bị tốt. Thực hiện rà soát lại công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của đoàn thanh tra. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nghiêm túc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Một số hành động cụ thể gỡ khó cho ngành cá tra được lãnh đạo ngành nông nghiệp chỉ ra, từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra cần tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng xây dựng lại chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc củng cố lại chuỗi ngành hàng cá tra và các doanh nghiệp hỗ trợ phần cung ứng phải gắn với vùng nuôi, ao nuôi, theo hình thức tổ chức liên kết với các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp để kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung.
Đồng thời, Thứ trưởng Nam chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm các chuỗi cung ứng hàng hóa. Đảm bảo an toàn thực phẩm từ con giống, vùng nuôi sản xuất đến sơ chế, chế biến ở một số địa phương trọng điểm về nuôi cá tra như Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ và có hướng nhân rộng. Các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng cần xác định rõ trách nhiệm, trên cơ sở nguồn cung – cầu ở các vùng nuôi, từ đó có kế hoạch quản lý các cơ sở giống để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong chuỗi ngành hàng cá tra.