Nghề cá xứ Tuyên
Những con sông mênh mông ở xứ Tuyên mấy năm nay bỗng dưng nhỏ hẹp lại, như cách thầm nhắc nhở nghề thủy sản ở nơi này cũng nhỏ hẹp, khó khăn.
Cá khó sống người nuôi khó phát triển
Anh Lê Anh Minh, người hơn 40 năm sống gắn bó với nghề chài lưới trên sông Lô chưa khi nào cảm thấy nghề thủy sản khó khăn như hiện nay. Nguồn thủy sản cạn kiệt, người dân đã nghĩ đến việc nuôi cá lồng. Nhưng nguồn nước cạn kiệt, tư liệu sản xuất chính của người làm thủy sản bị ảnh hưởng thì người nuôi phải lao đao.
Anh Minh phân trần, đợt vừa rồi, lồng cá chiên mới nuôi cũng bị chết do môi trường sống bị ảnh hưởng. Anh đưa ra một ví dụ, nước cạn trơ đáy, lượng nước sạch trên lòng sông chỉ đạt 40%, trong khi đợt đầu tháng 7 vừa rồi mưa lớn đổ về, đất đá, bùn cũng theo về chiếm tới 60% khiến nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường sống của cá bị ảnh hưởng dẫn đến dịch bệnh và có thể chết.
Dọc đôi bờ sông Lô từ thành phố Tuyên Quang lên huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên; dọc vòng sông Gâm từ huyện Chiêm Hóa lên huyện Na Hang… địa phương nào cũng có những làng chài, các làng nuôi cá lồng xơ xác, khó khăn. Người nuôi mang theo nhiều nỗi niềm trăn trở.
Đó là việc các nhà máy thủy điện chặn dòng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; việc đánh bắt kiểu tận diệt đã làm thay đổi nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài cá. Nhiều loài cá trước đây có nhiều trong môi trường tự nhiên trên sông Lô như dầm xanh, anh vũ, chiên… nay số lượng ít đi. Vào mùa cá đẻ trứng, những bãi đẻ ở Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương; ở An Khang, ở Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang… cá quẫy bọt tung trắng xóa cả một vùng nước mênh mông nay không còn nhiều. Ngày trước chưa có thủy điện mùa đẻ trứng, loài cá mòi cờ chấm nước lợ tìm về sông Lô địa phận Tuyên Quang để gửi gắm giống nòi nay cũng không còn nữa.
Thủy điện chặn dòng, hạn hán kéo dài làm mực nước trên các dòng sông xuống thấp, khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bao phen khó khăn. Như cuối năm 2020, Thủy điện Sông Lô 8 vận hành xả nước không đúng quy trình đã làm 8 tấn cá lăng chấm, cá chiên, trắm cỏ, bỗng của 26 hộ dân ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa bị chết do nước cạn đột ngột, ước tính thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng. Tháng 4 năm nay, Nhà máy thủy điện sông Lô 8B xả nước không có lịch thông báo trước khiến nhiều lồng cá của các hộ dân ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên bị mắc cạn.
Hơn 10 năm nay, nghề nuôi cá lồng giúp ông Phan Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên có cuộc sống ấm no. Việc xây dựng ngôi nhà kiên cố, nuôi đàn con lớn khôn cũng từ lồng cá từ sông nước mà ra. Vậy mà mấy năm nay, việc nuôi cá lồng của ông gặp khó khăn. Nhiều hộ trong HTX phải thu hẹp quy mô nuôi bởi lo lỗ vốn.
Ông Bình cho biết, khi 2 nhà máy thủy điện sông Lô 8A và 8B đi vào hoạt động, dòng chảy trên sông hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nuôi cá, nhất là môi trường sống của loài cá chiên cần nước xiết; nguồn thức ăn của cá chiên là tươi sống, do đó khi băm ra nước lặng thức ăn sẽ bị ôi, hỏng rất nhanh khiến ảnh hưởng đến môi trường nước. Cùng với đó, việc nổ mìn đánh đá ngầm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nuôi cá lồng.
Trên thực tế, ngành thủy sản ở Tuyên Quang vẫn còn tiềm năng khá lớn. Kết hợp các kết quả của các lần nghiên cứu, các nhà khoa học xác định thành phần các loài cá thu được ở hệ thống sông Lô, Gâm biết được cho tới nay có 160 loài và phân loài nằm trong 85 giống 26 họ và 11 bộ. Trong đó có 3 bộ chiếm phần lớn số loài là bộ cá chép có 3 họ 54 giống và 108 loài; bộ cá vược có 8 họ 11 giống và 23 loài; bộ cá nheo có 6 họ 10 giống và 19 loài.
Hi vọng rộng mở nghề cá ở Tuyên Quang
Thủy điện Tuyên Quang là niềm tự hào của ngành thủy điện xứ Tuyên. Công trình này không chỉ cung cấp nguồn điện với công suất 342MW, sản lượng điện trên 1,29 tỷ KWh/năm; chiếu sáng cho nhiều vùng miền của cả nước. Công trình kỳ vĩ, tuyệt đẹp ấy mọc lên đã khiến lụt lội ở các địa phương vùng hạ lưu, đặc biệt là thành phố Tuyên Quang không còn nữa. Công trình cũng mang đến cho mảnh đất vùng cao này tiềm năng phát triển nghề thủy sản trên lòng hồ mênh mông rộng đến 8.000ha.
Chúng tôi tìm huyện vùng cao Na Hang, nơi có nhà máy thủy điện Tuyên Quang , hồ thủy điện rộng mênh mông, nước trong xanh đã sản sinh cho người dân nơi đây nghề mới, nghề chài lưới và nuôi cá lồng. Nhiều người đã khởi nghiệp và có cuộc sống ấm no từ nghề cá.
Đến nay, toàn huyện Na Hang đã có 100 hộ dân, 2 HTX và 3 doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Các loại cá đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao được nuôi chủ yếu như cá chiên, cá lăng, cá bỗng… tổng sản lượng đạt trên 550 tấn/năm.
Anh Vi Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, việc nghiên cứu và sản xuất sản phẩm chế biến sâu thuận tiện cho việc đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch đặc biệt là phải tiện lợi để phù hợp với nhu cầu người sử dụng.
Hiện, Công ty đang có 8 sản phẩm sơ chế, chế biễn sẵn từ cá lăng như: Phi lê, cắt khúc, chả cá lăng, ruốc cá lăng, chiên xù, trong đó năm 2020, sản phẩm thủy sản của Công ty đã được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao có 2 sản phẩm và đạt hạng 3 sao có 2 sản phẩm.
Nhưng không phải công trình thủy điện nào cũng mang lại nhiều ý nghĩa tích cực như thủy điện Tuyên Quang. Mà hiện nay, trên các công sông ở mảnh đất xứ Tuyên và mảnh đất phía đầu nguồn Hà Giang số lượng các nhà máy thủy tăng lên theo thời gian, kéo mực nước xuống thấp, kéo ngành thủy sản và người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Môi trường sống của cá bị thu hẹp, nguồn sinh kế của những hộ làm nghề chài lưới trên các khúc sông Lô, song Gâm, sông Năng… bị đe dọa. Câu chuyện tái định cư trên cạn và an sinh xã hội cho các hộ dân sẽ là câu hỏi đặt ra mang theo bao nỗi niềm trăn trở của ngành chức năng và của những người dân vạn chài.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, cho biết, trong những năm gần đây công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được triển khai thông qua các hình thức, như tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đánh bắt, khai thác thủy sản; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện thả các loài cá đặc sản , đặc hữu xuống các con sông, hồ thủy điện để tái tạo nguồn lợi thủy sản…
Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 6 đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản với số lượng lớn. Trong đó đã thực hiện thả trên 450.000 con cá giống (dầm xanh, anh vũ, chép, bỗng, chiên, mè trôi, trắm cỏ) với tổng kinh phí hơn 1,16 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động trên nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên có dấu hiệu khôi phục.
Giai đoạn 2015 đến 2020 sản lượng khai thác tăng bình quân hằng năm là 5%, sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 là 1.032 tấn, trong đó cá 862 tấn, tôm 162 tấn, thủy sản khác 58 tấn.
Trong quý I, năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.097ha, sản lượng thủy sản đạt 3.068 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản là 755 tấn.