Cà Mau, Kiên Giang vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị Cà Mau, Kiên Giang thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4.

Cà Mau còn nhiều tàu cá mất kết nối dài ngày

Ngày 25/6/2023, Bộ NN-PTNT (Cục Kiểm ngư ) tổ chức Đoàn công tác làm việc với Cà Mau. Qua đó phát hiện một số tồn tại và công việc chậm hoàn thành trong công tác chống khai IUU, như:

Số liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản của tỉnh còn chưa thống nhất trong các báo cáo của tỉnh và cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Tình trạng mua bán tàu cá tại địa phương không tuân thủ theo quy định của pháp luật (thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ, xóa/đăng ký lại tàu cá) diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, xử lý theo quy định.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt gần 100%, tuy nhiên vẫn còn nhiều tàu cá mất kết nối dài ngày (55 tàu mất kết nối 6 tháng, 35 tàu mất kết nối 1 năm).

Sản lượng thủy sản khai thác của toàn tỉnh được theo dõi, giám sát chưa đầy đủ theo quy định (hiện mới kiểm soát 100% tàu cá ra vào tại 5 cảng cá; còn lại chưa kiểm soát được các tàu cá không cập cảng, khoảng 60% dẫn đến sản lượng được giám sát mới đạt khoảng 40%).

1-140002_710

Kiên Giang tiếp tục là tỉnh trọng điểm của cả nước có tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Shutter

Thu, nộp Nhật ký khai thác mới đạt khoảng 40%, tại cảng cá Sông Đốc chủ yếu tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản cập cảng nhưng Nhật ký mới ghi theo thời gian thu mua, chuyển tải, chưa ghi theo mẻ lưới của tàu khai thác; thông tin Nhật ký còn sơ sài, chưa ghi cụ thể tên loài nên chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc dẫn đến nguy cơ hợp thức hóa hồ sơ.

Tàu cá cập cảng (không có sản phẩm thủy sản từ khai thác hoặc đã bán trên biển) nhưng công tác theo dõi, kiểm soát hoạt động của những tàu này để kịp thời ngăn chặn, xử lý nếu có hành vi khai thác IUU còn hạn chế.           

Tại địa phương có khoảng 70 cảng cá tư nhân đưa vào hoạt động nhưng chưa được công bố theo quy định nên tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác là sai quy định pháp luật, không được theo dõi, giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác dẫn đến không kiểm soát được hành vi khai thác IUU.

Hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng cá Sông Đốc còn thiếu sót, chưa đảm bảo đúng thành phần loài được xác nhận do chưa giám sát sản lượng chính xác theo tên loài; nghi ngờ thực hiện xác nhận theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (mặc dù theo ý kiến địa phương là tàu đã bán sang tỉnh khác nhưng chưa sang tên, đổi chủ; và ngược lại vẫn có trường hợp người dân địa phương mua tàu cá của tỉnh khác nhưng chưa sang tên, đổi chủ thực hiện hành vi vi phạm).

Kiên Giang “nóng” tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài

Ngày 27/6/2023, Bộ NN-PTNT (Cục Kiểm ngư) cũng đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với tỉnh Kiên Giang. Theo đó cũng đã phát hiện một số tồn tại, thiếu sót của tỉnh trong công tác chống khai thác IUU, cụ thể, gồm:

Kiên Giang tiếp tục là tỉnh trọng điểm của cả nước có tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (sử dụng biển số giả, ngắt/gửi thiết bị VMS… để cố tình vi phạm diễn biến phức tạp).

Số liệu tàu cá của tỉnh chưa thống nhất trong các báo cáo của tỉnh và cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt khoảng 65%, tàu cá còn hạn đăng kiểm đạt khoảng 70%, vẫn còn 949 tàu cá không đăng ký. Tình trạng mua bán tàu cá tại địa phương không tuân thủ theo quy định của pháp luật (thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ, xóa/đăng ký lại tàu cá) diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, xử lý theo quy định.

Lắp đặt VMS đạt gần 100%; tuy nhiên số lượng tàu cá mất kết nối VMS tương đối lớn (370 tàu tàu mất kết nối 6 tháng, 275 tàu mất kết nối 1 năm, mất kết nối 10 ngày hơn 600 tàu; tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên mất kết nối VMS theo quy định chiếm 25% tổng số tàu 24m trở lên mất kết nối của cả nước).

Công tác phối hợp giữa trạm kiểm soát biên phòng và cơ quan quản lý thủy sản tại Cảng cá Tắc Cậu chưa chặt chẽ trong theo dõi, kiểm soát, xử lý tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Xảy ra nhiều trường hợp tàu cá không đủ điều kiện nhưng vẫn được trạm/đồn biên phòng xác nhận cho xuất bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản (lực lượng kiểm ngư đã phát hiện, xử lý 37 trường hợp vi phạm nhưng được xác nhận đủ điều kiện xuất bến tại các trạm/đồn biên phòng như Kênh Dài, Tây Yên…).

Tàu cá không cập cảng theo quy định để bốc dỡ thủy sản khai thác tại địa phương diễn ra phổ biến; sản lượng thủy sản khai thác của toàn tỉnh được theo dõi, giám sát rất thấp (sản lượng khai thác lớn nhưng được bốc dỡ qua cảng mới giám sát được khoảng 8%); chưa giám sát cụ thể theo tên loài để phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Chất lượng Nhật ký khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy, ghi thiếu, sai thông tin (trong đó có cả tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải kiểm soát 100% tàu ra vào cảng) nhưng kết quả xử phạt chưa đạt yêu cầu; nếu thực hiện xác nhận, chứng nhận đối với sản phẩm thủy sản khai thác của các trường hợp này là vi phạm IUU; Nhật ký thu mua, chuyển tải của tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản chưa ghi đầy đủ các mẻ lưới của tàu khai thác.

Phát hiện trường hợp cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) trên giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (SC) của cảng cá tại tỉnh khác đối với loài cá ngừ với sản lượng cao bất thường (15 tấn/tàu); tuy nhiên chưa thực hiện kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp của các thông tin trong SC để thực hiện cấp CC, dẫn đến rủi ro cao có sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm khai thác IUU trong các lô hàng được chứng nhận xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Biên bản kiểm tra tàu cá ra vào cảng tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Tắc Cậu vẫn còn xảy ra trường hợp ghi thiếu thông tin; biên bản kiểm tra của đồn/trạm biên phòng vẫn còn trường hợp ghi thiếu thông tin, thiếu chữ ký của đối tượng được kiểm tra.

Đã tăng cường xử phạt các hành vi khai thác IUU; tuy nhiên so với tổng số vụ việc vi phạm thì kết quả xác minh, xử phạt còn rất hạn chế.

Giải pháp cấp bách

Cà Mau, Kiên Giang là hai địa phương trọng điểm Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 sẽ thanh tra thực tế vào tháng 10/2023; với quyết tâm đến tháng 10/2023 gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ban, ngành và lực lượng chức năng liên quan thống nhất nhận thức, hành động quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp cấp bách, trọng tâm sau:

Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023, Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với kết quả thực hiện; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm thực hiện công việc.

Riêng với Cà Mau, căn cứ quy định của pháp luật và đặc thù tại địa phương thực hiện việc công bố cảng cá tại các cảng cá tư nhân để đưa vào hoạt động đúng quy định của pháp luật, kiểm soát, ngăn chặn hành vi khai thác IUU; các cảng cá không đủ điều kiện đề nghị kiên quyết không cho hoạt động.

Thực hiện giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng đảm bảo ghi đầy đủ, cụ thể tên loài trong hồ sơ giám sát để có cơ sở kiểm tra, cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (tránh trường hợp ghi tên chung (cá ngừ) trong hồ sơ giám sát nhưng ghi tên cụ thể (cá ngừ vây vàng) trong giấy xác nhận (SC)).

Đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương; tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá; điều động, biệt phái, bố trí đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU (kinh phí, nhân lực, trang thiết bị) cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương, các cảng cá và lực lượng chức năng có liên quan.

Còn với Kiên Giang, rà soát tất cả các điểm tàu cá bốc dỡ thủy sản khai thác không theo quy định tại địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương.

can-kiem-soat-chat-tau-ca-co-nguy-co-cao-vi-pham-khai-thac-iuu-182609_514

Lược lượng biên phòng Kiên Giang kiểm tra hồ sơ tàu cá trước khi xuất bến tại bến từ cảng cá Tắc Cậu. Ảnh: Trọng Linh.

Thực hiện giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng đảm bảo ghi đầy đủ, cụ thể tên loài; tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu.

Điều động, biệt phái, bố trí đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU (kinh phí, nhân lực, trang thiết bị) cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương, các cảng cá và lực lượng chức năng có liên quan.

Bộ NN-PTNT yêu cầu cả hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương và tàu cá của tỉnh khác hoạt động tại địa phương, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm Biên phòng, xử phạt nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện. Đặc biệt, kiểm soát, xử lý tình trạng mua bán tàu cá tại địa phương phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Tập trung cao điểm thực thi pháp luật, xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU xảy ra tại địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

Thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hoàn thành công tác quản lý tàu cá theo quy định, số liệu phải khớp, thống nhất giữa báo cáo của địa phương và trên cơ sở dữ liệu VNFishbase, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị chức năng.

Đặc biệt, tập trung thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung điều tra, truy tố các đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, lực lượng chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nếu tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tổ chức triển khai Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận