Các nguyên nhân khiến tôm bị rớt đáy

Trong nuôi tôm, hiện tượng tôm rớt đáy xảy ra liên tục, nếu không phát hiện kịp thời sẽ dễ bị thiệt hại cho người nuôi. Vậy tôm rớt đây do những nguyên nhân nào? Cách khắc phục hạn chế hiện tượng tôm rớt đáy?

tom-rot-day_1704423215
Tôm bị rớt đáy cần tìm rõ nguyên nhân gây ra. Ảnh: Hóa chất nhà nông

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm rớt đáy

Các nguyên nhân tôm bị rớt đáy khá đa dạng nhưng chúng thường rơi vào một số trường hợp sau đây:

Do ảnh hưởng từ môi trường

Mưa lớn khiến nhiệt độ, độ mặn, pH của nước giảm hơn so với mức bình thường. Lúc này sức ăn của tôm sẽ giảm hơn so với mức thông thường khoảng 30%. Nhiệt độ giảm sẽ khiến tôm bị sốc nhiệt và có xu hướng đi tìm những nơi đáy ao (có nhiệt độ cao hơn).

Lượng mưa lớn khiến nước ao tôm bị phân tầng làm hàm lượng oxy hòa tan trong nước không xuống được đáy ao dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy đáy, đặc biệt vào ban đêm. Tình trạng này kéo dài khiến tôm không đủ oxy để hô hấp.

Khi các biến động môi trường diễn ra sẽ làm tảo tàn đột ngột tạo ra nguồn dinh dưỡng cực kỳ lớn cho các sinh vật gây bệnh trong ao nuôi, cùng với vật chất hữu cơ tích tụ dưới đáy ao sẽ làm gia tăng khí độc H2S. Gây độc cho tôm, khiến mang tôm bị đen, sức đề kháng kém dễ bị các mầm bệnh xâm nhập.

Mưa lớn, các hạt mưa va đập vào mặt nước tạo ra tiếng ồn khiến tôm bị Stress. Tôm trốn xuống đáy ao và gặp điều kiện bất lợi dẫn đến hiện tượng tôm chết sau mưa và trong mưa.

Trong cơn mưa, pH trong ao giảm mạnh sẽ kích thích tôm lột xác. Điều này sẽ rất dễ chết hàng loạt do thiếu oxy, khí độc cao, sự thiếu hụt chất khoáng và các yếu tố độ cứng, độ kiềm, nhiệt độ của nước bị sút giảm đột ngột.

Sau những cơn mưa, mật độ vi khuẩn sẽ tăng nhanh. Tôm đang bị sốc, sức đề kháng kém sẽ dễ dàng nhiễm phải một số căn bệnh như phân trắng trên tôm, đen mang, bệnh gan tụy cấp tính,…

Do mật độ nuôi 

Khi nuôi tôm với mật độ quá dày, khi mới bóc vỏ, thịt tôm còn mềm, tôm bị va chạm vào nhau khiến chúng bị rớt đáy.

Do tôm bị nhiễm bệnh, thiếu chất

Tôm bị nhiễm các loại bệnh nấm hoặc không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết dẫn đến suy nhược và chết dần.

Ngoài ra, khi tôm gặp điều kiện môi trường không thuận lợi, nhiều khí độc như H2S, NH3, NO2,… cũng bị rớt đáy.

tom-the_170442292615661435377934077588Tìm ra hướng giải quyết là cấp bách cho ao tôm

Khắc phục như thế nào là hiệu quả?

Tôm rớt đáy nếu không được khắc phục kịp thời rất dễ khiến việc rớt đáy xảy ra hàng loạt, khó cứu vãn năng suất mùa vụ. Vì thế, bà con cần nắm một số biện pháp giúp phòng ngừa và khắc phục hiện tượng tôm rớt đáy trong suốt quá trình nuôi tôm để có một mùa vụ nuôi thành công.

Vệ sinh ao nuôi trước khi bắt đầu thả tôm

Trước khi tiến hành thả tôm, bà con nên vệ sinh kỹ đáy ao, nếu là ao bạt thì nên vệ sinh kỹ bạt, tránh để lại các chất thải, cặn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống của tôm. Tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển ngay từ đầu là một trong những cách giúp hạn chế các bệnh trên tôm và hiện tượng tôm rớt đáy.

Thông thường, bà con đã vệ sinh ao một lần ngay sau khi thu hoạch tôm. Tuy nhiên, đối với những ao bạt mà mùa vụ trước bà con nuôi tôm có xuất hiện tình trạng tôm nhiễm bệnh nấm hay ao tôm để lâu ngày mới nuôi lại, trước khi thả giống bà con nên vệ sinh kỹ thêm một lần nữa bằng cách:

Đối với ao bị ô nhiễm, để lâu ngày: Chà bạt thật sạch, sau đó ngâm 2 – 3 tấc nước với 20kg Clorin cho 1.200m2 trong 1 ngày, đồng thời dùng bơm chìm hút nước Clorin này xịt rửa bờ ao, quạt, phao. Sau đó rút hết nước chứa Clorin ra và thả nước nuôi tôm đạt chất lượng vào.

tom-the-2_17044229902306891875070595262Tôm cần được đảm bảo sức khỏe cho cả quá trình. Ảnh: aquaculture.vn

Đối với ao tôm từng nhiễm bệnh nấm: Thực hiện các bước như ao tôm để lâu ngày ở trên, nhưng trước khi tiến hành chà bạt, bà con cần tiến hành xịt ướt bạt, rải vôi nóng (CaO). Sau khi chà bạt xong, bà con xịt ướt bạt rắc vôi nóng lên lần nữa, rồi mới cho nước vào ao khoảng 2 – 3 tấc ngâm Clorin như ở trên.

Nuôi tôm với mật độ vừa phải

Thả tôm với mật độ quá dày sẽ khiến tôm thiếu không gian phát triển, khả năng lột bị hạn chế, và sẽ dễ dẫn đến hiện tượng tôm rớt đáy. Do đó, sau khi chọn được con giống chất lượng (tôm giống có nguồn gốc rõ ràng; tôm mẹ đảm bảo chất lượng; có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng, taura,… cỡ tôm đạt 9 – 11 mm…) bà con nên thả tôm với mật độ vừa phải như sau:

– Đối với ao có lót bạt: 100 – 150 con/m2.

– Đối với ao đất: 60 – 80 con/m2.

Lựa chọn thức ăn chất lượng và thay đổi chế độ ăn phù hợp cho tôm

Lựa chọn thức ăn chất lượng giúp tôm hấp thu tối đa dưỡng chất để phát triển và thay đổi chế độ ăn phù hợp cho tôm giúp tránh việc tôm bị nhiễm bệnh do ô nhiễm nguồn nước từ thức ăn dư thừa đọng lại dưới đáy ao.

Sử dụng men vi sinh để khắc phục tình trạng tôm rớt đáy

Chất lượng môi trường nước nuôi kém, ao tôm xuất hiện khí độc là nguyên nhân hàng đầu khiến tôm rớt đáy. Khi hiện tượng rớt đáy đã xảy ra rải rác trong ao nuôi tôm, bà con nên khắc phục ngay bằng cách sử dụng men vi sinh xử lý khí độc NO2, NH3 để xử lý tình trạng này.

Khi thấy ao nuôi có hiện rớt đáy tăng dần mỗi ngày, bà con cần xác định rõ ngay từ đầu nguyên nhân gây ra thì mới có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Vì vậy, cần kiểm soát ao tôm thường xuyên thông qua việc dùng nhá, kiểm tra các chỉ số môi trường thường xuyên.

Đăng ngày 05/01/2024
Thuần Phạm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận