Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tỉnh sẽ là trung tâm logistics thủy sản tầm cỡ thế giới, đưa sản phẩm đến các thị trường tiềm năng, đặc biệt là Trung Quốc.
Doanh nghiệp, HTX là hạt nhân
Với tiềm năng, lợi thế về thủy sản, Quảng Ninh đã coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng để khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế biển thì còn rất nhiều việc cần làm. Ông suy nghĩ thế nào về nhận định này?
Quảng Ninh vẫn xác định hạt nhân là doanh nghiệp, HTX trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực nuôi biển.
Kể cả nuôi biển theo công nghệ hiện đại, nuôi ven bờ, nuôi tôm…, nếu chỉ là mô hình nông hộ thì sẽ rất khó quản trị. “Khó ở chỗ yếu tố sản xuất rộng, đại trà, yếu tố tăng sản lượng và yếu tố quản trị lợi nhuận, bởi vì khi xảy ra dịch bệnh, rủi ro thì người nuôi mất hết”.
Tôi cho rằng, doanh nghiệp phải tham gia vào mô hình sản xuất kinh tế thủy sản vì có nhiều lợi thế. Thứ nhất, doanh nghiệp có sức mạnh tổ chức, hệ thống quản lý, quản trị dòng tiền. Có sức mạnh tài chính thì doanh nghiệp mới dám bỏ tiền, vay vốn để đầu tư công nghệ, tài sản, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về quản lý tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu, như vậy giá trị ngành thủy sản mới tăng cao.
Thứ hai, dưới góc độ quản lý nhà nước cũng dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp, từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, công nghệ, chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Nếu bảo hiểm không có thì không thể thúc đẩy phát triển ngành lớn mạnh.
Đơn cử như tại Israel, các công ty bảo hiểm, ngoài bảo hiểm cơ sở hạ tầng còn bảo hiểm cả sinh khối sản xuất (sản lượng nuôi) bằng cách theo dõi quá trình phát triển từng giai đoạn. Ví dụ nuôi tôm 60 ngày bị bệnh dịch chết, công ty bảo hiểm sẽ đánh giá được chi phí tôm 60 ngày tuổi là bao nhiêu, để từ đó đưa ra mức giá đền bù.
Hay như tại khu vực nuôi cá của Công ty Australis tại Khánh Hòa, năm 2017 bị ảnh hưởng bởi bão lớn Damrey gây thất thoát cá, Công ty Deloitte đã chi trả gần 10 triệu USD tiền bảo hiểm trong vòng chưa đầy 1 tuần.
Việc doanh nghiệp được bảo vệ trong quá trình sản xuất góp phần thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để từng bước nâng tầm ngành nghề có giá trị kinh tế cao và bền vững này.
Để tạo một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu liên kết sản xuất và xuất khẩu, vai trò doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Quảng Ninh sẽ làm gì để thu hút đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực này, thưa ông?
Quảng Ninh đang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các phương thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước bằng nhiều phương thức khác nhau. Cụ thể, tỉnh cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế – xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, của ngành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Quảng Ninh tổ chức xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chủ động, bám sát nhu cầu thực tiễn, trọng tâm vào các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất có khả năng đứng đầu chuỗi sản xuất làm hạt nhân dẫn dắt tại vùng triển khai dự án, cùng với đó là xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư làm sao đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp cũng đang được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, thực hiện nhất quán, minh bạch chính sách, quy trình cho thuê đất, hình thức thuê đất; ưu tiên các dự án có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản của tỉnh.
Tiềm năng thị trường tỷ dân
Quảng Ninh là tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, một trong những thị trường lớn và đầy lợi thế. Quảng Ninh sẽ làm gì để tiếp cận và khai tốt thị trường này, thưa ông?
Với dân số trên 1,4 tỷ người, chiếm khoảng 18% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ tiêu dùng nội địa là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Theo Tổ chức FAO, nhu cầu về thủy sản của Trung Quốc ngày một tăng với chất lượng từ thấp lên đến cao. Dự báo đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 38% tiêu thụ thủy sản toàn cầu.
Nhu cầu thủy sản cao, yêu cầu chất lượng không quá khắt khe cho thấy sản phẩm thủy sản của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Ba tỉnh nhập khẩu tôm nhiều nhất của Trung Quốc theo đường thủy, đường bộ là Trạm Giang, Quảng Châu và Quảng Tây đều rất gần với tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh là tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc nên có quan hệ thương mại từ lâu đời, việc nắm bắt và hiểu đặc tính và nhu cầu của người Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Quảng Ninh có dịch vụ logistic là điểm chung chuyển xuất khẩu thủy sản của tỉnh nói riêng cũng như của các địa phương khác trên toàn quốc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, các vùng lãnh thổ khác như EU, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN.
Các FTA này là FTA thế hệ mới, bao trùm nhiều lĩnh vực, vấn đề cả thương mại và phi thương mại mang lại cho Việt Nam nói chung và các nước thành viên cơ hội thuận lợi cơ bản như thu hút thêm được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.
Cùng với đó, sản xuất xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu thô sơ và thủ công sẽ được nâng lên giai đoạn chế biến công nghệ cao, chế biến tinh với giá trị gia tăng cao hơn. Về lâu dài, sẽ thay đổi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, xóa bỏ phần lớn thuế quan về hàng hóa, có thêm cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất qua các cửa khẩu của Quảng Ninh đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1 tỷ USD. Từ lợi thế tiếp giáp với Trung Quốc, để khai thác tối đa hoạt động xuất khẩu sang thị trường này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tận dụng khai thác những tiềm năng cửa khẩu.
Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Xây dựng Trung tâm logistics thuỷ sản tầm cỡ thế giới
Cụm cảng hàng không Vân Đồn lâu nay được biết đến là một trung tâm vận chuyển hành khách, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. Có ý kiến cho rằng nên biển cụm cảng Vân Đồn thành Trung tâm logistics cho thuỷ sản. Ý kiến cho ông thế nào?
Về chính sách, theo Đề án số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó quy hoạch Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển miền Bắc, theo Quy hoạch nông lâm nghiệp và thủy sản tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm sản xuất là nuôi trồng thủy sản biển và trồng rừng, sản xuất chế biến gỗ.
Trong hệ thống logistics quốc gia hiện nay, Việt Nam có một số loại hình logistics đường biển, đường hàng không và đường bộ. Nói về ưu thế đường hàng không ở Quảng Ninh, trong bán kính bay cung giờ từ 2 – 4 tiếng có thể bay từ Quảng Ninh đến các thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó các đô thị lớn như Trùng Khánh, Thành Đô, Vũ Hán, Bắc Kinh, Thượng Hải… hiện đang rất thiếu nguồn cung thủy hải sản.
Quảng Ninh đã có sân bay quốc tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn) nhưng hiện nay rất khó cạnh tranh với sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng) về vận chuyển hành khách. Vậy nên, trong tương lai phải biến sân bay Vân Đồn trở thành trung tâm logistics hàng không cho khu vực Đông Bắc Á, không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà cho cả ngành nông sản Việt Nam.
Cùng với đó, bán kính 30km xung quanh huyện Vân Đồn sẽ hướng đến thành lập các trung tâm nông sản, trung tâm sản xuất, chế biến, logistics nông sản, xây dựng hệ thống kho lạnh, trong đó chú trọng vào thủy sản của Việt Nam cho khu vực Đông Bắc Á.
Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch hành động số 14/KH-UBND nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã đề ra sẽ hình thành 6 trung tâm logictics. Cụ thể, trung tâm logistics Cái Lân, gắn với khu công nghiệp Cái Lân, cảng Cái Lân; trung tâm logistics Vân Đồn, gắn với chuỗi cảng hàng không Vân Đồn và cảng Hòn Nét (TP Cẩm Phả).
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo thực hiện tổ chức sản xuất, chế biến, logistisc theo chiến lược này. Với dư địa để phục vụ cho việc xây dựng các cụm công nghiệp chế biến gần 10.000 ha, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm logistics thủy sản tầm cỡ thế giới trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay, ngành thủy sản Quảng Ninh đứng thứ nhất cả nước về sản xuất nhuyễn thể, đứng thứ nhất khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ về sản lượng tôm nuôi, đứng thứ 7 về sản xuất cá biển. Năm 2023, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, sản lượng đạt 170.000 tấn, trong đó, nuôi trồng 95.000 tấn, khai thác 75.000 tấn, chiếm trên 50% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.