Cá lăng nha là loài có tốc độ phát triển nhanh, để nuôi cá đạt hiệu quả cao có thể áp dụng các hình thức nuôi bán thâm canh trong ao hoặc trong lồng bè. Tuy nhiên, khi nuôi trong lồng, bè cá sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
Chuẩn bị lồng
Lồng được làm bằng gỗ, tre hoặc lưới đảm bảo yêu cầu dễ vệ sinh, dễ khử trùng và không gây ô nhiễm cho môi trường cá nuôi. Tùy theo khả năng kinh tế của người nuôi mà có thể làm lồng có kích thước to hoặc nhỏ khác nhau. Lồng có dạng khối hình hộp chữ nhật có kích thước 24 m3 (4x3x2 m) hoặc 40 m3 (5x4x2 m). Khung lồng làm bằng gỗ, các thanh gỗ có kích cỡ 5×10 cm, dài 3 – 5 m được liên kết với nhau. Các lồng được giữ nổi bằng hệ thống phao làm bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa (60×90 cm) và được liên kết với khung lồng bằng dây thép, dùng khoảng 8 thùng cho một lồng nuôi. Một bè nuôi có thể có nhiều lồng nuôi và được cố định bằng hệ thống dây neo, đường kính dây neo khoảng 2 – 3 cm.
Vị trí
Lựa chọn địa điểm nuôi phải có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp; thuận lợi cho việc vận chuyển thức ăn và cá giống. Lồng được đặt nơi thông thoáng, không nên nuôi tại các điểm cuối của eo ngách. Nơi đặt lồng nuôi phải có độ sâu lớn hơn 4 m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất.
Vị trí đặt lồng nên có dòng nước chảy nhẹ, lưu tốc nước 0,2 – 0,5 m/s, tránh những nơi nước chảy quá mạnh. Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6 – 8, tốt nhất là từ 6,5 – 7,5; hàm lượng ôxy hòa tan >5 mg/l; NH3 <0,01 mg/l; độ trong 50 – 80 cm.
Nên đặt các lồng so le nhau để tạo sự lưu thông cho dòng chảy; không đặt lồng ở những nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu, những khúc sông hay bị sạt lở, gần đập tràn của hồ thủy điện.
Con giống
Cá giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nên mua cá giống ở những cơ sở có uy tín, chất lượng. Cá giống tốt là cá không mất nhớt, đuôi và râu không bạc màu, kích cỡ đồng đều, cỡ cá thả khoảng 5 – 7 cm, trọng lượng 50 g/con. Cá giống khỏe mạnh, không dị hình, không xây xát. Cá bơi lội linh hoạt, nhanh nhẹn, tập trung theo đàn.
Thả giống
Người nuôi có thể thả giống bất kỳ thời điểm nào trong năm, tốt nhất vào khoảng thời gian tháng 3 – 4 dương lịch. Không thả giống vào thời điểm bất lợi như mưa gió, áp thấp nhiệt đới…
Thả giống vào lúc trời mát, tốt nhất là vào lúc sáng sớm. Trước khi thả giống nên ngâm bao cá trong nước khoảng 15 phút, sau đó thả cá từ từ vào lồng nuôi để tránh trường hợp cá bị sốc do thay đổi môi trường.
Mật độ thả khoảng 60 – 70 con/m3.
Thức ăn
Có thể cho cá ăn bằng một trong các loại sau: thức ăn công nghiệp, cá tạp, cắt khúc vừa cỡ miệng; thức ăn tự chế 50% cám + 50% cá. Hiện, phần lớn người nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp nhờ những ưu điểm như hàm lượng dinh dưỡng cao, hạn chế ô nhiễm môi trường…
Lựa chọn thức ăn công nghiệp đảm bảo hàm lượng đạm 30%. Lượng thức ăn khoảng 3 – 4% so khối lượng thân. Từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 2, cho cá ăn 3 lần/ngày vào sáng, chiều, tối. Từ tháng thứ 2 trở đi, ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và lúc chiều mát. Thức ăn được cho vào sàng ăn đặt dưới mặt nước 20 – 40 cm. Sau 2 giờ cho ăn, kiểm tra sàng ăn để có thể điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp để tránh hiện tượng thiếu hoặc thừa cho những lần sau.
Định kỳ bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa, chế phẩm sinh học… vào thức ăn giúp cá tiêu hóa tốt hơn và tăng cường sức đề kháng.
Quản lý
Hàng ngày phải chà rửa, vệ sinh sàng ăn sạch sẽ để tránh nấm, vi sinh vật ký sinh, vi khuẩn bám làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
Kiểm soát các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hòa tan, độ trong) sao cho luôn ở mức phù hợp. Người nuôi có thể đo bằng các dụng cụ chuyên dùng.
Treo các túi vôi ở các góc lồng nuôi nhằm khử khuẩn, ổn định môi trường nước, tiêu diệt mầm bệnh.
Định kỳ 15 ngày/lần khử trùng lồng nuôi bằng BKC với lượng 0,5 lít/1.000 m3 nước, phun trực tiếp xuống bè.
Hàng ngày quan sát hoạt động của cá, khả năng bắt mồi và các hiện tượng bất thường khác để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi (1 lần/tuần), đặc biệt vào mùa mưa. Kiểm tra, dùng bàn chải cọ rửa hoặc máy xịt sạch bùn, phù sa bám trong và ngoài lồng bè, loại bỏ thức ăn dư thừa, gỡ bỏ rác bám hoặc thay lồng nuôi mới để tăng khả năng lưu thông của nước bên trong và ngoài lồng bè. Việc vệ sinh lồng diễn ra trước khi cho ăn. Loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng.
Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo bè, di chuyển lồng bè vào vị trí an toàn.
Thu hoạch
Sau khi thả nuôi 13 tháng, cá lăng nha đạt kích cỡ thương phẩm 1 kg/con thì có thể bắt đầu thu hoạch. Dừng cho cá ăn ít nhất 1 ngày trước khi đánh bắt hoặc vận chuyển để không làm ảnh hưởng đến cá. Khi thu hoạch, cần thao tác nhẹ nhàng tránh làm cá bị xây xát.
>> Cá lăng nha có thịt trắng chắc, ít xương dăm, mùi vị thơm ngon. Đây là loài cá da trơn, sinh sống ở tầng đáy, nhiều phù sa, nước chảy chậm và tĩnh lặng. Ở nước ta cá thích hợp nuôi nhất ở khu vực ĐBSCL, nơi được hưởng nguồn nước ngọt của sông Tiền và sông Hậu. |
Thái Thuận