Tropomyosin là chất gây dị ứng chính trong tôm nhưng mỗi loại tôm có thể chứa những hóa chất khác dẫn tới phản ứng của cơ thể.
Một bệnh nhân người Mỹ cho biết, cô có thể thưởng thức được cua và tôm hùm nhưng bị dị ứng khi ăn loại tôm nhỏ hơn. Cách chế biến và thời gian nấu không có sự khác biệt.
Các bác sĩ giải thích, phản ứng với thực phẩm như trên hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ, trong tôm có một loại protein tên gọi tropomyosin là chất gây dị ứng chính. Tuy nhiên, còn có những chất gây dị ứng khác trong loài tôm này mà không có trong loài tôm khác. Ngoài ra, tropomyosin cũng có nhiều loại khác nhau.
Ở các đối tượng có nguy cơ dị ứng, hệ miễn dịch giải phóng histamine chống lại tropomyosin được hấp thụ vào cơ thể, gây ra các triệu chứng như ngứa, mẩn đỏ.
Triệu chứng dị ứng tôm
Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng bất lợi do nhạy cảm với thực phẩm sẽ bắt đầu xuất hiện gần như ngay lập tức nhưng cũng có lúc sau vài giờ.
Ngứa: Đây là triệu chứng dị ứng tôm phổ biến, có thể đi kèm phát ban lan rộng trên da. Người bệnh bị ngứa ở da, mắt, miệng.
Phát ban: Trên da xuất hiện những nốt đỏ ngứa với kích thước khác nhau. Vết phát ban có thể mờ dần và xuất hiện trở lại. Người bệnh bị sưng tấy, đau đớn nghiêm trọng ở môi, mắt, họng.
Viêm da dị ứng: Đặc trưng là các mảng da khô màu xám nâu và ngứa dữ dội, xuất hiện trên bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, ngực, bên trong khuỷu tay và đầu gối. Da cũng có thể bị nứt nẻ, có vết sưng chứa dịch.
Ngoài ra, người bị dị ứng có nguy cơ ngứa, sưng môi, lưỡi, cổ họng; khó thở, tức ngực; chóng mặt, lâng lâng.
Dị ứng tôm xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng có xu hướng gia tăng theo tuổi tác. Theo Everlywell, khoảng 60% số ca dị ứng chỉ phát bệnh khi đã trưởng thành.
Những người bị dị ứng tôm có nguy cơ phản ứng với nhiều loại hải sản
Cách phòng chống
Ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng tôm bắt đầu bằng việc tránh các loại thực phẩm có chứa protein khiến cơ thể phản ứng. Hầu hết những người bị dị ứng tôm cũng có nguy cơ phản ứng với hải sản như cua, sò, ốc, bạch tuộc, mực…
Khi nào phải đi viện?
Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng nếu không được cấp cứu. Tình trạng này xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với thực phẩm mà bạn bị dị ứng và nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn.
Theo Mayo Clinic, phản ứng phản vệ với động vật có vỏ là trường hợp cấp cứu y tế. Khi đó, hệ miễn dịch giải phóng một lượng lớn hóa chất có thể khiến bạn bị sốc. Các dấu hiệu bao gồm:
– Lưỡi bị sưng hoặc đau tức cổ họng (co thắt đường thở) khiến bạn khó thở
– Ho, nghẹt thở hoặc thở khò khè
– Huyết áp giảm nghiêm trọng, mạch nhanh hoặc yếu
– Phát ban da, nổi mề đay, ngứa hoặc sưng
– Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
– Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu.