Với điều kiện tự nhiên độc đáo, việc kết hợp giữa nuôi biển với phát triển du lịch nhằm khai thác lợi thế thiên nhiên và tiềm năng mặt nước đáng được chú ý.
Tiềm năng nuôi biển gắn kết với du lịch
Hiện nay ở nước ta, mô hình nuôi biển gắn với du lịch còn khá mới mẻ, một số nơi còn sơ khai. Các trang trại nuôi biển chủ yếu được chọn là điểm dừng chân để phục vụ ăn uống, với các món hải sản tươi sống. Chúng ta chưa có các mô hình thí điểm, chưa có các nghiên cứu và đánh giá khoa học, cũng như thiếu các chính sách và quy định đầy đủ khi hình thành các trang trại nuôi biển có phục vụ du lịch. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và không đảm bảo an toàn để phục vụ hoạt động giải trí trên các trang trại nuôi biển.
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km với nhiều vũng, vịnh, đầm, phá và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phân bố ở vùng ven bờ từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Các hòn đảo không chỉ che chắn gió, bão, thuận lợi cho nuôi biển mà còn kiến tạo nên cảnh quan khá đẹp mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Với điều kiện tự nhiên độc đáo như vậy, việc kết hợp giữa nuôi biển với phát triển du lịch nhằm khai thác lợi thế thiên nhiên và tiềm năng mặt nước rộng lớn đáng được chú ý. Hơn nữa, nhằm giảm thiểu tranh chấp trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên giữa du lịch và nuôi trồng thủy sản nói chung, việc kết hợp nuôi biển gắn kết với du lịch có thể xem là một trong những giải pháp cần được xem xét.
Hướng phát triển và giải pháp
Ven biển nước ta có rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản khác nhau. Đối tượng nuôi cũng khá phong phú và đa dạng như các loài giáp xác, nhuyễn thể, nhóm cá biển và rong tảo. Nhiều loài thủy sinh vật có hình dạng kỳ thú và màu sắc đẹp, thu hút người xem. Ở mỗi vùng miền lại có những loài nuôi đặc hữu, phương thức nuôi độc đáo.
Ở Quảng Ninh và Hải Phòng có các mô hình nuôi động vật thân mềm và cá biển bằng lồng bè khá phổ biến. Tôm hùm thì chủ yếu được nuôi ở Khánh Hòa và Phú Yên. Mô hình nuôi cấy ngọc trai khá nổi tiếng ở Phú Quốc, Kiên Giang. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị là cả 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang vừa có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi biển, vừa là những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước và trong khu vực, đặc biệt là du lịch biển, đảo.
Việc tích hợp nuôi biển với du lịch nên tập trung phát triển theo hướng du lịch thể thao, giải trí, giáo dục và văn hóa hơn là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Các chương trình du lịch tại trang trại nuôi biển có thể lồng ghép với giáo dục bảo vệ môi trường và sinh vật biển, nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái, ý thức bảo tồn rạn san hô, hay các hoạt động câu cá giải trí, lặn với ổng thở xem cá nuôi, tham quan các hệ thống nuôi biển, tìm hiểu các mô hình sinh kế của người dân địa phương…
Để việc phát triển nuôi biển kết hợp với du lịch trở thành một ngành kinh tế, gia tăng thu nhập cho người dân, cần có cách tiếp cận tổng hợp dựa trên một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là tham khảo các mô hình nuôi biển kết hợp du lịch ở các nước trên thế giới, vận dụng vào điều kiện Việt Nam.
Thứ hai là cần có các mô hình thí điểm, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, tác động môi trường và hệ sinh thái. Du lịch và nuôi biển tương tác cả tích cực và tiêu cực lẫn nhau. Nuôi biển cần có chất lượng môi trường nước tốt, trong khi du lịch lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba là xây dựng và bảo tồn được hệ sinh thái nuôi thủy sản trên biển nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và khai thác giá trị của các hệ thống nuôi và cảnh quan thiên nhiên.
Thứ tư là cần trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành du lịch cho người nuôi biển và thứ năm là cần có quy hoạch tổng thể, mang tầm quốc gia. Công tác quy hoạch cần đi trước một bước thông qua điều tra, đánh giá và chỉ ra được khu vực nào dành cho nuôi biển, khu nào dành cho du lịch và khu nào dành cho mô hình kết hợp du lịch với nuôi biển.
Nhiều thách thức
Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề lớn trên thế giới. Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là vùng ven bờ. Hệ thống lồng bè nuôi thủy sản trên biển dày đặc, quá tải đã làm tăng ô nhiễm môi trường. Khi các hoạt động du lịch tại các trang trại nuôi biển phát triển mạnh, hệ sinh thái và môi trường ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nước thải, chất thải từ khách du lịch, từ những con tàu chở khách và từ các trang trại nuôi biển chưa được xử lý sẽ được đưa vào biển gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây hại cho sinh vật biển. Về dài hạn, chúng làm giảm vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và gây ô nhiễm cho cộng đồng dân cư ven bờ. Một vấn đề khác cũng gặp phải là hiện tượng phú dưỡng, với nồng độ cực cao của các chất dinh dưỡng như nitơ và phốt pho trong một vùng nước.
Điều này dẫn đến sự nở hoa của tảo, đặc biệt với một số loài tảo độc có thể gây hại cho sinh vật biển. Khi tảo bao phủ diện tích bề mặt rộng lớn của một vùng nước, ánh sáng mặt trời sẽ bị chặn và đời sống thực vật bên dưới bề mặt sẽ bị thiếu ánh sáng khiến chúng chết đi.
Không có thực vật thủy sinh thì không có hệ thống lọc tự nhiên làm cho hóa chất độc hại từ nước thải, chất thải dễ dàng hấp thụ hơn và đa dạng sinh học bắt đầu biến mất. Nước thải chưa qua xử lý cũng có thể mang mầm bệnh vào các vùng biển, không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, mà còn lây lan cho các thủy sinh vật nuôi trên các lồng bè.
Khi khách du lịch , đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan các hệ thống nuôi biển, vấn đề an ninh quốc gia và an ninh công nghệ cũng cần được chú ý. Đó là những kịch bản không quá xa khi chúng ta định hướng phát triển mô hình du lịch kết hợp với nuôi thủy sản trên biển.
Vì vậy, các nhà quản lý và xây dựng chính sách cần cân nhắc và có những quy định cụ thể, chặt chẽ khi cấp phép cho mô hình nuôi biển kết hợp với du lịch nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển vì một tương lai xanh cho thế hệ mai sau.
Trường Đại học Nha Trang