Vừa qua, Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra công tác chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 4.
Những nội dung Đoàn sẽ chú tâm được dự kiến là công tác quản lý đội tàu và giám sát hoạt động tàu cá từ trên biển đến khi cập cảng, cũng là những nội dung còn khá nhiều bộn bề.
Công tác quản lý tàu cá cũng như công tác thực thi pháp luật và việc giám sát hải sản đánh bắt qua cảng là các nội dung mà EC cho rằng Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong khi, đây là các chỉ số chính đánh giá việc thực hiện khuyến nghị của EC, để có thể gỡ “thẻ vàng” hay không.
Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách chống IUU do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Bình Định cuối tháng 4/2023 cho biết, số lượng tàu có đăng kiểm mới chỉ đạt 96%, giấy phép khai thác đạt 67,6%, tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 97,5%. Đặc biệt, sản lượng hải sản đánh bắt được giám sát qua cảng mới đạt 28,5%; và mới có 80% số tàu cá nộp nhật ký khai thác. Trong khi, EC yêu cầu tất cả những nội dung trên phải đạt 100%.
Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Vũ Duyên Hải thông tin thêm, từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023, Việt Nam giảm đến 9.665 tàu cá nhưng trong đó bao nhiêu chiếc hư hỏng, bao nhiêu chiếc còn hoạt động mà nằm ngoài vòng kiểm soát là chưa rõ. Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều: Năm 2022 cả nước có 84 tàu, mấy tháng đầu năm 2023 có 16 tàu, đến nay mới xử lý 10 tàu.
Từ ngày 25/10/2022 đến ngày 17/4/2023, có 259 lượt tàu mất kết nối 10 ngày trở lên nhưng chưa được xử lý rốt ráo. Tàu cá vào cảng cá bốc dỡ hải sản, việc xác nhận nguồn gốc còn thiếu độ tin cậy và chưa được kết nối liên thông. Ông Hải nhấn mạnh: “Công tác quản lý đội tàu là phải kiểm soát được từng tàu hoạt động ở đâu, như thế nào trong suốt 24/7 để đảm bảo đúng pháp luật, đúng quy định. Tất cả tàu cá ra vào cảng phải được kiểm soát, đảm bảo trung thực về số lượng, loài, khai thác ở đâu và nếu tàu nào không tuân thủ quy định thì không cho bốc dỡ sản phẩm mà bị xử lý”.
Các tàu cá ra vào cảng phải được kiểm soát, đảm bảo trung thực về số lượng, loài,… Ảnh:VnExpress
Tình hình ở các địa phương, như tỉnh Kiên Giang có vùng biển rộng khoảng 63.290 km2, đội tàu cá nhiều nhất nước với 9.775 chiếc. Trong đó, tàu dài từ 15 mét trở lên là 3.857 chiếc, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.656 chiếc, đạt 94,79%. Mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho hay, tỉnh còn 2.500 tàu cá đóng mới không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, hầu hết tàu nhỏ khai thác ven bờ nhưng sẽ tạo sức ép rất lớn đến nguồn lợi thủy sản, gây khó khăn cho công tác quản lý thực hiện khuyến nghị của EC.
Còn ở tỉnh Sóc Trăng, Tổ Kiểm tra IUU của tỉnh cho biết, tỉnh có 339 tàu dài từ 15m trở lên đều đã lắp đặt thiết bị VMS giám sát hành trình. Thế nhưng, khi ở trên biển còn một số tàu mất kết nối. Trong tháng 3/2023, Tổ Kiểm tra IUU phát hiện tàu cá mất kết nối ngoài khơi lần 1 có 15 tàu, lần 2 có 18 tàu.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là cả nước đang có 859 tàu cá trên 15m chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là nhóm tàu được EC đánh giá có nguy cơ cao vi phạm IUU, nên sẽ chú trọng kiểm tra. Bởi vậy, giải pháp cấp bách đặt ra cho các địa phương là phải xác định vị trí neo đậu của những tàu nói trên, nếu EC yêu cầu kiểm tra thì cảng cá phải sẵn phương tiện để đưa Đoàn đi thực tế. Lần này thanh tra thứ 4 này, EC sẽ kiểm tra rất kỹ tính xác thực của hoạt động trên biển bằng cách kiểm tra nhật ký khai thác với toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình.
Khuyến cáo các địa phương phải chuẩn hóa, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ một cách khoa học để có thể truy xuất nhanh, không để tình trạng EC cần mà cả tiếng sau mới có để cung cấp. Đoàn thanh tra EC vào cảng cá nào, những tàu cập cảng lên cá ở đó phải đảm bảo các quy định, nhất là hồ sơ và trang thiết bị đầy đủ vì Đoàn có thể trực tiếp lên tàu kiểm tra.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương chuẩn bị hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ và chi tiết để làm việc với Đoàn thanh tra EC. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mong các địa phương hợp sức cả hệ thống chính trị để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian gần nhất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.