Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ở mức 4% so với năm 2022.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 113.000 tấn, đạt 51% so với kế hoạch. Trong đó, thịt lợn 52.000 tấn, thịt gia cầm 54.000 tấn, thịt trâu gần 3.000 tấn, thịt bò 3.500 tấn.
Tổng đàn trâu, bò ước đạt 92.000 con, đàn lợn 610.000 con, đàn gia cầm xấp xỉ 16 triệu con. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm đã được nâng cao về chất lượng, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 75% tổng đàn, đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 65% trở lên, đàn gà lông màu có chất lượng chiếm 85% tổng đàn.
Tuy có tổng đàn vật nuôi lớn, nhưng theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên, hiện việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất việc là chuyển đổi, thu hút đầu tư chăn nuôi lớn. Đặc biệt, quy mô chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ trên 60% nên việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Điều này đang khiến vấn đề xử lý ô nhiễm đối mặt vô vàn thách thức, nhất là trong chăn nuôi lợn khi công nghệ xử lý môi trường chưa được áp dụng hiệu quả do chi phí quá lớn. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn gây khó khăn trong công tác triển khai tiêm phòng, kiểm soát, phát hiện sớm dịch bệnh. Ngoài ra, công tác quản lý hoạt động của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất con giống, công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở còn khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là trở ngại lớn trong gắn chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất khi phải rủi ro cao, thị trường không ổn định, thiếu bền vững, giá cả sản phẩm bấp bênh.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi Thái Nguyên vẫn phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ở mức 4% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 220.000 tấn, trong đó thịt lợn 98.000 tấn, thịt gia cầm 108.000 tấn, thịt bò gần 7.000 tấn, thịt trâu gần 6.000 tấn và sản lượng trứng gia cầm 465 triệu quả.
Quy mô chăn nuôi trang trại chiếm trên 40% tổng đàn, chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm chiếm trên 55% tổng đàn. Tổng đàn trâu, bò 95.000 con, lợn 600.000 con, gia cầm 16 triệu con.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác hướng dẫn, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khuyến khích chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp Thái Nguyên sẽ tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học, hoàn thành 100% số mẫu lấy test nhanh chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện quản lý chăn nuôi bằng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, cùng với đó tiếp tục quản lý chặt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa phương.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 60 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ tổ chức sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các trang trại sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.