Thời tiết lạnh có nên cho tôm ăn?

Khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam ta, các hộ nuôi bắt đầu lo lắng cho ao tôm nhà mình. Ngoài việc chủ động sử dụng các biện pháp chống rét cho tôm thì chế độ ăn cũng chiếm một phần quan trọng. Vậy cho ăn vào mùa lạnh như thế nào là đúng cách?

tom-the_4_1704077212
Nhiệt độ môi trường giảm khiến tôm chậm lớn hơn so với thông thường. Ảnh: tincay.com

Các ảnh hưởng khi nuôi tôm vào lúc thời tiết chuyển lạnh

Khi vào mùa lạnh, nhiệt độ ao nuôi sẽ xuống thấp, đặc biệt nhanh khi sử dụng sục khí. Tôm là động vật biến nhiệt, hoạt động trao đổi chất phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường nước ao. Nhiệt độ thích hợp cho tôm khoảng 25-32℃.

Thông thường sức ăn của tôm sẽ giảm 10% nếu nhiệt độ nước giảm xuống 1℃. Mưa và thời tiết lạnh có thể làm giảm nhiệt độ nước ao 3-5℃, vì vậy sức ăn của tôm có thể giảm ít nhất 30% so với thông thường.

Khi nhiệt độ xuống dưới 20℃, tôm sẽ ngừng sinh trưởng, cường độ bắt mồi thấp, tôm giảm ăn, hệ số FCR tăng cao, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,2 g/con/ngày ( so với mùa nắng là 0,3 g/con/ngày), điều này có nghĩa thời gian nuôi sẽ bị kéo dài hơn khoảng 1,5 lần so với thông thường.

Cường độ bắt mồi và chuyển hóa thức ăn kém hơn, trong khi thay đổi độ mặn, pH và độ kiềm khiến tôm bị chết trong quá trình lột xác. Điều tiếp theo là nhiệt độ thấp khiến việc xi phông, vệ sinh tầng đáy của ao nuôi tôm không được đảm bảo.

Khi trời nắng ấm, lượng chất thải, thức ăn dư thừa, xác và vỏ tôm tồn đọng nhiều trong ao, nhiệt độ tăng cao trở lại sẽ nhanh chóng bị phân hủy, sinh ra khí độc ảnh hưởng đến tôm. Tất cả các yếu tố trên làm cho tôm giảm ăn trong giai đoạn này.

Nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi như:

– Tôm giảm ăn, chuyển hóa kém, hệ số FCR tăng cao.

– Tôm chậm lớn hơn so với mùa nắng, khiến thời gian nuôi kéo dài.

– Dễ nhiễm bệnh đặc biệt là virus (đốm trắng, hồng thân).

– Tôm dễ bị rớt cục thịt, khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài tôm xuống đáy để tránh rét (đặc biệt giữa ao) sẽ tiếp xúc khí độc, mầm bệnh.

– Mùa lạnh trời âm u, tảo không phát triển, gây thiếu oxy về đêm.

– Hoạt động phân giải kém, xi phông khó khăn, dẫn đến tích tụ bùn thải, khí độc.

Cho tôm ăn và quản lý ao tôm vào mùa lạnh

Khi nhiệt độ giảm xuống mức tối ưu, tôm sẽ không đòi hỏi ăn nhiều mà chúng chỉ cần lượng thức ăn vừa đủ để duy trì các hoạt động của cơ thể. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ nước để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

nha-tom_17040769673116461166875777268Nên bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết cho tôm khi thời tiết lạnh. Ảnh: nongnghiep.vn

Bà con có thể sử dụng sàng để kiểm tra sức ăn của tôm, vào những ngày nhiệt độ giảm mạnh thì có thể giảm ăn hoặc ngưng ăn để tránh tình trạng thức ăn dư thừa, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Khi nhiệt độ ổn định người nuôi cần theo dõi khả năng bắt mồi để điều chỉnh cho phù hợp. 

Trong thức ăn, cần nên bổ sung thêm một số chất hỗ trợ như: men tiêu hóa, vitamin C, vitamin B để tăng sức đề kháng cũng như khả năng hấp thụ cho tôm

Mùa lạnh tôm sẽ di chuyển xuống đáy ao nên tăng cường sục khí để cung cấp đầy đủ oxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress cho tôm. Có thể bơm nước từ đáy ao lắng qua để có thể cung cấp thêm nước sạch có nhiệt độ ổn định.

Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, hạn chế khí độc. Nếu phát hiện tôm nuôi bị nhiễm bệnh do vi khuẩn gây ra, cần sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn (Iodine, BKC,..) để điều trị.

Nên kiểm tra các yếu tố môi trường 2 lần/ngày để kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi, bờ ao, cống nhằm phát hiện kịp thời các yếu tố bất lợi cho tôm.

Đăng ngày 01/01/2024
Thuần Phạm
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận