Liên kết trong nuôi tôm thẻ chân trắng còn nhiều khó khăn

Tại tỉnh Bình Ðịnh, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 4.700 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó duy trì 2.400 ha mặt nước ngọt, phát triển 2.300 ha mặt nước mặn, nước lợ.

ao-nuoi-27_1686887811
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để góp phần nâng cao thu nhập. Ảnh: Tép Bạc

Riêng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao phấn đấu chiếm 30% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.  

Chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu để góp phần nâng cao thu nhập, phát triển bền vững nghề nuôi tôm. Đồng thời, việc phát triển ứng dụng công nghệ cao phải đi đôi với liên kết trong sản xuất.

Ở Bình Định, đến vụ nuôi, người nuôi tôm tự mua giống thả nuôi. Thức ăn nuôi tôm thì mua nợ các đại lý, đến vụ thu hoạch mới trả. Đầu ra thì mạnh ai nấy tìm, giá cả tùy thương lái quyết định, phần thiệt thòi luôn nghiêng về phía người nuôi.

Vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) tuy chưa hình thành chuỗi liên kết, nhưng đã có hướng liên kết. Theo đó, vùng nuôi tôm này đã thành lập Ban quản lý cộng đồng nuôi tôm quản lý 25 ha nuôi tôm với 5 tổ quản, có 45 thành viên. 

Trước khi bước vào vụ nuôi, Ban quản lý họp tất cả thành viên thống nhất thời điểm thả giống, mua tôm giống tại 1 cơ sở sản xuất tôm giống uy tín, loại thức ăn cho tôm và mua đồng loạt 1 loại thức ăn ấy. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì các thành viên lại tự tìm thương lái để bán tôm, chưa hình thành được mối liên kết tiêu thụ.

Tại thành phố Quy Nhơn, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng xã Nhơn Hội cũng đã thành lập “Tổ Hội liên kết nuôi tôm thẻ chân trắng” với 7 thành viên tham gia. Các hội viên có điều kiện liên kết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi, như thống nhất lựa chọn thức ăn, con giống, trao đổi chia sẻ kỹ thuật nuôi, bảo vệ vùng nước nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường các hồ nuôi,… 

Lễ ra mắtThành lập “Tổ Hội liên kết nuôi tôm thẻ chân trắng” tại xã Nhơn Hội. Ảnh: Kim Tiến

Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ nhau trong tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm luôn được ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập gia đình

Lợi thế của tỉnh Bình Ðịnh là có vùng nuôi lớn, người dân nhạy bén và chịu khó trong việc áp dụng công nghệ mới. Vì vậy, liên kết trong sản xuất là rất cần thiết để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng bền vững.

Đăng ngày 16/06/2023
NTN
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận