Theo tổng giám đốc Omarsa Sandro Coglitore, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ecuador có thể sẽ chậm lại vào nửa cuối năm 2023 do ngành này phải đối mặt với “thực tế thị trường”.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về tôm 2023, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam từ 24-26/7/2023, Coglitore, công ty chế biến tôm lớn thứ 2 Ecuador cho biết công ty phải điều chỉnh giá theo tình hình thực tế của thị trường. Sản xuất sẽ tạm dừng một thời gian cho đến khi thị trường phục hồi, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng tăng trở lại.
Tuy nhiên, Coglitore cũng tin rằng tiêu thụ tôm toàn cầu phải tăng lên nếu Ecuador và các nhà sản xuất lớn khác đẩy mạnh khối lượng xuất khẩu. Nếu có thể, công ty muốn thiết lập chiến dịch toàn cầu với tất cả quốc gia sản xuất tôm để tăng tiêu thụ tôm bình quân đầu người thêm ít nhất nửa pao. Điều này sẽ thúc đẩy tăng sản xuất và tiêu thụ cũng như giá tôm.
Hiện tại, Ecuador có khoảng 230.000 ha diện tích canh tác tôm. Theo Coglitore, tỷ lệ tử vong tương đối thấp là yếu tố then chốt giúp Ecuador sản xuất tôm với chi phí thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại châu Á.
Tuy nhiên, Robins McIntosh, phó chủ tịch điều hành Charoen Pokphhand Foods của Thái Lan, cảnh báo rằng tình hình có thể thay đổi nếu Ecuador tiếp tục tăng sản xuất. Ecuador đang tăng cường sử dụng công nghệ hóa, mật độ nuôi ngày càng tăng, 25-30 cá thể/m2 hoặc thậm chí 50-60 cá thể/m2. Khi mật độ nuôi quá cao, nguy cơ lây lan mầm bệnh và bệnh tật sẽ tăng lên.
Nếu ngành tôm Ecuador duy trì kỷ luật và tuân thủ mật độ tối ưu khoảng 30 cá thể/m2, Ecuador có thể tiếp tục thâm canh mà không gây hậu quả tiêu cực đáng kể đối với sức khỏe của động vật và môi trường chung. Tuy nhiên, nếu mất kỷ luật và các nhà sản xuất vượt quá mật độ khuyến nghị, nguy cơ bùng phát dịch bệnh và tác động tiêu cực đến môi trường sẽ tăng lên đáng kể.